Chúng ta cần tỉnh táo để không tự mình khóa chặt cánh cửa phát triển của mình. Bài học "xe Honda" còn đó. Một khi nó đã chiếm lĩnh được thị trường xe máy và áp đặt các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, chất lượng, về tính kinh tế... thì thương hiệu xe máy nào của VN có thể ra đời và cạnh tranh lại xe Honda?
Tôi đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp TQ, lúc này mà có ai muốn mua sản phẩm, linh kiện ... của mình thì tôi sẵn sàng khênh lên vai. Nếu mà mua số lượng lớn thì tôi càng mừng, và tôi chỉ cần bán giá vốn, thậm chí còn hỗ trợ thêm này nọ.
Vì sao ạ, vì trong giai đoạn khó khăn, ế ẩm, mà có đầu ra thì mình sẽ có thể tồn tại để vượt qua.
Đối với ngành xe điện, năm 2019 TQ có khoảng 500 hãng! nay chỉ còn khoảng 100 hãng. Điều này cho thấy tình hình cạnh tranh là rất tàn khốc.
Chính phủ TQ một mặt hỗ trợ, một mặt buộc các hãng phải nghiên cứu cải tiến liên tục để tồn tại. Nhờ sự cạnh tranh khốc liệt mà chất lượng được cải thiện theo thời gian.
Nhiêu đó đủ thấy việc phát triển và chiếm được một thị trường đầu ra to lớn là điều cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ô tô điện của TQ.
Đặc biệt những thứ như công nghệ, thì bình thường mình đã cần đối tác chung tay phát triển thị trường để phổ biến công nghệ của mình ra thị trường rồi.
Điều này giúp mình thâm nhập sâu thị trường, mở rộng thị phần và chặn đối thủ cạnh tranh. Huống hồ là lúc khó khăn đầu ra.
Khi đối tác đã phủ thị trường giúp mình rồi, thì lúc ấy cho dù là sản phẩm ấy mang thương hiệu không phải của mình, thì cũng coi như là thị trường của mình. Vì cái ruột sản phẩm là của mình.
Nếu đối tác của mình mà có đóng cửa, ngừng kinh doanh, thì mình là người duy nhất có cơ hội thay thế. Vì thị trường đã quen dùng công nghệ của mình rồi, họ sẽ không muốn thay đổi công nghệ vì sẽ rất tốn kém và rủi ro. Còn khách hàng thì họ cần được tiếp tục cung cấp linh kiện thay thế, bảo trì, vốn trước nay do mình cung cấp.
Ngay cả sau khi đối tác phát triển thị trường rồi, mà nếu mình muốn, thì mình hoàn toàn có thể "kill" đối tác để chuyển vai trò chi phối thị trường sang cho mình. Chỉ cần ngưng cung cấp linh kiện là đối tác lắp ráp buộc phải dừng, và chỉ có thể bán lại cho mình. Vì nó sử dụng công nghệ của mình thì ngoài mình ra ai khác có thể nhảy vào mua?
Trên thị trường không hiếm những doanh nghiệp sử dụng chiến thuật "áp đặt công nghệ", "áp đặt gu" để khống chế thị trường.
Chẳng hạn như thị trường thuốc lá, BAT hầu như đã thành công trong việc áp đặt gu cho thị trường này.
Bạn mua 555, Craven A, White Horse ... thì là thương hiệu của BAT, nhưng nếu mà bạn mua Vinataba, Thăng Long, Bến Thành, Vĩnh Hội ... (thương hiệu VN) thì cũng là gu của BAT (do BAT cung cấp công nghệ, sợi virginia, nguyên liệu tẩm mùi ...). Hãy hỏi những người hút thuốc lá xem một khi đã ghiền một gu rồi thì họ có dễ dàng chấp nhận đổi sang gu thuốc lá khác hay không?
Đối với công nghiệp cũng thế, ai áp đặt được công nghệ thì cũng có lợi thế kiểm soát thị trường tương tự như áp đặt gu đối với ngành hàng tiêu dùng. Bạn phát minh ra công nghệ hay nhưng lại dở trong việc marketing để phổ biến nó. Thì bạn sẽ thua người có công nghệ kém hơn, nhưng có khả năng tiếp thị phổ biến công nghệ ra thị trường.
Một công nghệ khi đã trở nên quen thuộc thì nó là sự quen thuộc, là kinh nghiệm bề dày đã tích lũy được của giới làm nghề. Sẽ là chi phí phát sinh lớn khi phải thay đổi công nghệ vì phải thay đổi rất nhiều thứ, và là rủi ro tiềm tàng mà không ai muốn.
Chúng ta cần tỉnh táo để không tự mình khóa chặt cánh cửa phát triển của mình. Bài học "xe Honda" còn đó. Một khi nó đã chiếm lĩnh được thị trường xe máy và áp đặt các tiêu chuẩn về thẩm mỹ, chất lượng, hiệu quả kinh tế... thì thương hiệu xe máy nào của VN có thể ra đời và cạnh tranh lại xe Honda?
Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị
Nhập Ý Kiến