Phân tích kinh doanh

Những ai học kinh doanh mà bỏ qua không học nội dung Phân tích Khách hàng và Thị trường này, đều phải quay lại học nó. Bởi họ nhận ra rằng chất lượng đầu ra (quyết định kinh doanh) luôn phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu (thông tin) đầu vào.

Vì một số lý do sau:

  1.  Làm gì cũng phải học, chúng ta ngay từ nhỏ đã phải học để biết cách giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống của mình. Bắt đầu là học bò, học đứng, học cầm muổng đũa ... Lớn lên thì học để làm người, học để biết tính toán, học để biết cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của mình.
    Theo logic đó thì đến khi khởi nghiệp, chúng ta cần phải học để biết kinh doanh. Nhưng thực tế là vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người khởi sự kinh doanh mà chưa được học những kiến thức và kỹ năng liên quan đến kinh doanh. Tương tự khi tập hợp nhiều người về cùng làm với mình mà vẫn chưa được học cách để quản lý, phát huy năng lực của họ v.v.
  2. Kỹ năng kinh doanh có nội dung đòi hỏi chúng ta phải hiểu khách hàng và thị trường, hiểu đối thủ, phải biết cách thu thập thông tin để phân tích nhằm nhận diện những xu hướng (trend) tác động đến thị trường và môi trường kinh doanh.
    Lý lẽ này cũng giống như ngư dân ngày xưa đã phải học cách nhìn trời nhìn sao để đoán hướng gió, luồng nước, thủy triều để có thể ra khơi đánh cá thành công.
  3.  Kỹ năng kinh doanh không chỉ đòi hỏi chúng ta phải thu thập và phân tích thông tin để làm marketing, tổ chức bán hàng và xây dựng thương hiệu, mà chúng ta cũng cần thu thập và phân tích thông tin cho các mục đích khác nhau.
    Từ việc xây dựng chiến lược, dự báo kinh doanh đến hoạt động thu mua - cung cấp, tổ chức sản xuất, hoạt động nghiên cứu phát triển, hoạt động công nghệ, hoạt động nhân sự, hoạt động tài chính .v.v. Những hoạt động này có cần thông tin từ thị trường không?
    Câu trả lời chung là CÓ!
  4.  Để hoạt động hiệu quả, kinh doanh cần thông tin, thậm chí cần rất nhiều thông tin. Chúng ta cần thu thập và lưu trữ thông tin để khi cần thì có thể phân tích, tính toán, và theo đó mà đưa ra các quyết định cho chính xác.
    Thông tin là một dạng tài sản của doanh nghiệp, bên cạnh các loại tài sản hữu hình khác. Ngày trước thì các công ty luôn có một kho lưu trữ thông tin dưới dạng bản in, là nơi lưu trữ bảo quản tài liệu. Sau đó thì họ số hóa thông tin và lưu trong các đĩa mềm.
    Ngày nay các công ty lớn thường có hệ thống quản lý thông tin (IMS) như là một cái kho lưu trữ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được ... dưới dạng một data center, mà khi cần thì họ dễ dàng truy cập.

Hoạt động của doanh nghiệp ngày nay, hầu như không có một quyết định nào được phép đưa ra mà không dựa trên kết quả phân tích thông tin, dữ liệu. Người ta tìm cách hạn chế những rủi ro đến từ việc quyết định được đưa ra dựa trên ý kiến chủ quan của ai đó.

Việc này cần thiết và quan trọng đến độ các doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc giúp lưu trữ thông tin một cách thuận tiện, và cải thiện tốc độ truy xuất và phân tích thông tin, dữ liệu. Đây chính là nguyên nhân cho sự ra đời của các ứng dụng thông tin như AI.

Một quyết định (chẳng quyết định hạn mua, bán) được đưa ra nhanh hơn 1 phút có thể giúp doanh nghiệp có lợi thế trong kinh doanh và giúp mang lại hàng triệu dollar lợi nhuận.
Tôi cho rằng, không sớm thì muộn, các doanh nghiệp VN mình rồi cũng sẽ nhận ra nhu cầu về kỹ năng thu thập, phân loại, lưu trữ và phân tích dữ liệu.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, có lẽ chúng ta không cần một data center với một hệ thống IMS đồ sộ, phức tạp, mà có thể sử dụng những tiện ích của điện toán đám mây (cloud computing) thay cho một data center vật lý riêng cho mình.

Riêng chỉ có một thứ mà các doanh nghiệp cần phải học chứ công nghệ không làm thay được, đó là kỹ năng của người sử dụng. Các anh chị sẽ phải học để biết mình cần thông tin gì, thu thập từ những nguồn nào, dùng công cụ phân tích gì, để đưa ra những quyết định gì. Ngay cả khi dùng AI thì chúng ta cũng cần có kiến thức kỹ năng để đánh giá những thứ mà Ai tìm được.

Những ai học kinh doanh mà bỏ qua không học nội dung này, đều phải quay lại học nó. Bởi họ nhận ra rằng chất lượng đầu ra (quyết định kinh doanh) luôn phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu (thông tin) đầu vào.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Đề tài sắp đến: Segmentation & Targeting (phân tích thông tin, dữ liệu thu được để chia thị trường và chọn thị trường mục tiêu)

Pin It

Nhập Ý Kiến

Gởi

Đăng Nhập