Tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2022 đến nay tăng 2.4% - thử phân tích để xem tác động thế nào lên nền kinh tế VN?
Kinh tế VN 2022, nếu nhìn ở con số giá trị xuất khẩu thì ngành vi tính điện tử, điện thoại đứng đầu với 47 tỷ đô, kế đến là dệt may với 15 tỷ đô, và tiếp theo là giày da với 10.5 tỷ đô.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhập khá lớn đối với 3 ngành này. Con số theo thứ tự lần lượt là: 45 tỷ, 10.3 tỷ và 3.3 tỷ.
Nếu tính giá trị ròng tạo ra ở VN bằng cách lấy xuất trừ nhập, thì đối với các ngành trên giá trị tạo ra cho VN lần lượt là: 2.2 tỷ, 5.6 tỷ, 7.5 tỷ đô.
Như vậy ngành vi tính điện tử, điện thoại xuất 47 tỷ đô chứ thực ra giá trị mà VN đóng góp vào chuỗi giá trị chỉ tương đương hơn 2 tỷ đô.
Con số net 7.5 tỷ của ngành giày da thì tôi hơi có chút nghi ngờ, không biết người ta có khai giảm giá trị nhập để giảm thuế nhập khẩu hay không (?).
Thường thì con số thống kê của HQ đối với XK thì đáng tin cậy hơn con số nhập khẩu. Vì xuất khẩu thì được khuyến khích, trong khi với nhập khẩu thì việc doanh nghiệp khai thấp giá trị, khai code khác để giảm thuế nhập khẩu là khá phổ biến.
Nhưng tóm lại, dù là số bao nhiêu thì 3 ngành dẫn đầu nền kinh tế kia chủ yếu là của FDI (nước ngoài đầu tư), lợi nhuận có để lại VN nhiều hay ít là cũng vẫn của họ, do họ điều tiết, do nhu cầu dùng vốn của họ ở VN, chứ nó không phản ánh lời lãi thực. Và cũng không phải để lại VN là của VN. Thường thì nếu không có nhu cầu đầu tư gì khác ở VN, thì họ chỉ để lại đủ trả chi phí gia công, tiền lương nhân viên và tiền thuê VP...
Cái thực chất của VN chúng ta, dù con số còn khiêm tốn nhưng đó là thuần Việt Nam, là nòng cốt của kinh tế VN:
- Xuất khẩu nông sản 7.2 tỷ đô
- Thủy-hải sản 4.7 tỷ đô
- Gỗ 7 tỷ đô.
Nếu trừ con số nhập khẩu đi thì số net còn lại lần lượt là: 6.4 tỷ, 3.8 tỷ, 5.7 tỷ đô la.
Số giá trị net của ngành nông nghiệp tạo ra cho nền kinh tế VN cao hơn gấp 3.5 lần số net của ngành vi tính điện tử và điện thoại hoành tráng kia các bạn ạ!
Dẫn chứng vòng vo như vậy chỉ để quay lại với chủ đề:
- Tác động của việc giữ cho đồng VND ít mất giá so với đồng đô la là có lợi hay có hại cho ngành nông nghiệp, thủy-hải sản của VN?
Muốn biết thì phải so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực về ngành nông nghiệp, thủy sản là Thái Lan và Philippines:
- Đồng Thái Baht mất 10% giá trị so với USD tính từ đầu năm.
- Đồng Peso của Philippines cũng mất 11% giá trị so với USD tính từ đầu năm.
- Trong khi đồng VND của VN chỉ mất hơn 2% giá trị so với USD tính từ đầu năm 2022.
Như vậy là đồng VND đã tăng giá so với Baht và Peso, dẫn đến hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của VN sẽ gặp bất lợi về giá bán qui sang đô la khi cạnh tranh với Thái Lan và Philippines.
Với nông nghiệp, năng lực cạnh tranh của VN so với Thái Lan xưa nay vốn là thua kém, bởi chúng ta đi sau họ. Nay việc giữ giá đồng VND cao chỉ làm cho năng lực cạnh tranh của nông sản VN càng kém hơn. Ai làm trong ngành nông sản, thủy sản xuất khẩu ắt nhận rõ điều này.
Yếu tố duy nhất khiến các nhà mua hàng EU tìm đến VN, chính là EVFTA. Nhưng ngay cả lợi thế về EVFTA cũng không làm cho hàng nông, thủy sản VN có lợi thế hơn về giá thành, trong bối cảnh các quốc gia cạnh tranh trực tiếp chấp nhận để đồng tiền mất giá để hỗ trợ hàng xuất khẩu, còn chúng ta thì duy trì đồng tiền ổn định.
Giữ giá đồng VND có thể có lợi cho việc thu hút đầu tư FDI, giúp duy trì tăng trưởng GDP. Nhưng xin hãy nhìn các con số đóng góp thực chất ở trên mà cân nhắc. Những ngành mà FDI đang đầu tư ở VN ở trên, khi thấy chỗ khác có lợi hơn thì họ sẽ rút đi trong một nốt nhạc, như đang xảy ra với TQ. Cái còn lại chính là các ngành kinh tế thuần Việt.
Đỗ Hòa