Gần đây thấy có báo đưa tin về hai chuỗi bán lẻ lớn của VN đồng loạt công bố thông tin có lãi, tôi thấy cũng mừng. Vì cả hai chuỗi bán lẻ mà có lãi thì có nghĩa là sức mua của thị trường đã tăng lên, có nghĩa là nhiều người đã có việc làm, nhờ các doanh nghiệp làm ăn khởi sắc.
Nhưng đọc kỹ thêm thì tôi thấy có phần bâng khuân. Có đoạn nói là lãi gộp, có đoạn lại ghi là lợi nhuận sau thuế. Vậy thế nào là lãi gộp, thế nào là lợi nhuận sau thuế?
Lãi gộp thì tùy theo cách tính toán của từng doanh nghiệp, tùy theo cấu trúc quản lý tài chính của từng doanh nghiệp.
- Có nơi thì lãi gộp là phần còn lại sau khi lấy doanh thu trừ cho giá vốn hàng bán (COGS) và trừ chiết khấu bán hàng (discount).
- Có nơi thì lãi gộp được tính bằng cách lấy doanh thu trừ giá vốn hàng bán, trừ tiếp chiết khấu bán hàng, trừ thêm chi phí logistics, và trừ chi phí bán hàng (cost to sell).
- Cũng có nơi lãi gộp là phần còn lại sau khi trừ các khoản trên, trừ thêm các chi phí quản lý, chi phí marketing, chi phí gián tiếp của đơn vị bán hàng. Còn gọi là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Có một trang tài chính của VN định nghĩa lãi gộp (hay còn gọi là lãi ròng)... !!!
Trong trường hợp (1) thì sau lãi gộp vẫn còn khá nhiều chi phí mà doanh nghiệp phải khấu trừ trước khi có thể gọi là lãi (lãi ròng). Vì đây mới lấy thực thu (doanh thu trừ chiết khấu bán hàng) trừ đi chi phí sản xuất, thu mua ra sản phẩm thôi.
Trường hợp (2) thì cũng vẫn còn khá nhiều chi phí khác. Vì đây mới chỉ trừ đi chi phí trực tiếp liên quan đến khâu bán hàng thôi. Vẫn còn các chi phí khác như trong trường hợp 3.
Trường hợp (3) thì lãi gộp là khoản còn lại sau khi đã trừ đi hết các chi phí của bộ phận kinh doanh. Nhưng cũng vẫn còn khá nhiều chi phí treo trên đầu trước khi có thể gọi là "kinh doanh có lãi".
Đó là các khoản chi phí quản lý của cấp trên như: chi phí công ty mẹ, chi phí tổ chức ngành hàng, chi phí các bộ phận phục vụ chung như nhân sự, tài chính, pháp lý, IT, PR, chi phí của ban TGĐ, và chi phí khấu hao đầu tư (văn phòng, nhà xưởng, xe cộ ...), chi phí tài chính (lãi vay)... Riêng đối với các doanh nghiệp FDI thì còn các khoản chi phí khác nữa, tùy họ muốn "để" lãi ở đâu.
Như vậy, cũng là "lãi", nhưng từ lãi gộp đến lãi ròng cả là một khoản cách khá xa. Công bố lãi gộp dương nhưng đến lãi ròng thì âm (lỗ) là khá phổ biến, nhất là trong giai đoạn sức mua thị trường suy giảm như hiện nay.
Vậy thực ra là các chuỗi bán lẽ trên đã thực sự có lãi chưa? Nếu có lãi (lãi ròng), thì tôi nghĩ doanh nghiệp cũng nên công bố rõ ràng hơn. Còn nếu công bố "có lãi" (là lãi gộp thôi) chỉ nhằm để kích động tinh thần nhà đầu tư và nhân viên, thì tôi nghĩ .... cũng nên thông cảm cho họ.
Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị