(KTSG) – “Nền sản xuất mới có dấu hiệu trở lại trạng thái bình thường chứ chưa thể nói là có sự tăng trưởng đặc biệt. Việt Nam cần khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc và khai phá thêm thị trường ASEAN”, chuyên gia Đỗ Hòa, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Business Review, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Bức Tranh Chưa Thật Sáng Sủa
- KTSG: Trong hai tháng đầu năm 2024, những tín hiệu thể hiện sự phục hồi của nền sản xuất bắt đầu được ghi nhận: PMI tháng 2-2024 đạt 50,4 điểm, tăng nhẹ so với mức 50,3 điểm của tháng 1-2024. Đâu là nguyên nhân chính hỗ trợ sự phục hồi này và xu hướng đó có tiếp tục trong những tháng tiếp theo?
- Ông Đỗ Hòa: Chúng ta thấy, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1-2024 tăng trưởng đáng kể, sau đó, giảm tương đối mạnh trong tháng tiếp theo. Cụ thể, trong tháng 2-2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 48,54 tỉ đô la Mỹ, giảm 25,8% so với tháng trước. Xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1 và tháng 2-2024 ước đạt lần lượt 33,57 tỉ đô la (tăng 42% so với cùng kỳ năm trước) và 24,82 tỉ đô la (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu hai tháng đầu năm ước đạt lần lượt 30,65 tỉ đô la (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước) và 23,72 tỉ đô la (tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước).
Theo giải thích của nhiều chuyên gia, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1-2024 tăng mạnh là do các nhà nhập khẩu tăng mua để bù thiếu hụt trong kho dự trữ. Tuy nhiên, đứng từ góc độ doanh nghiệp, một nguyên nhân khác là do doanh nghiệp tăng đặt hàng vào tháng 12-2023 thay vì chờ sang các tháng đầu năm 2024 để đạt các chỉ tiêu kinh doanh, làm đẹp báo cáo tài chính năm 2023. Đơn hàng tháng 12-2023 sẽ được giao trong tháng 1-2024, vì vậy, xuất khẩu trong tháng 1 cao hơn hẳn so với tháng tiếp theo. Tương tự, sự sụt giảm trong kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2-2024 cũng không đáng lo ngại.
Trong hai tháng đầu năm 2024 tính bình quân kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu mỗi tháng lần lượt ở mức trên 29 tỉ đô la/tháng và trên 27 tỉ đô la/tháng, tương đương với kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 6 và tháng 7-2023. Điều này có nghĩa nền sản xuất của chúng ta mới có dấu hiệu trở lại trạng thái bình thường chứ chưa thể nói là có sự tăng trưởng đặc biệt. Theo tôi, bức tranh chung là như vậy, bởi lẽ, nhìn vào các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta không có đột phá nào so với các năm trước. - KTSG: Theo các dự báo mới đây, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn tiếp tục suy yếu. Những dấu hiệu tươi sáng cũng chưa xuất hiện nhiều ở các thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống, chủ lực của Việt Nam như Mỹ và châu Âu. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này?
- Quả thật, tới thời điểm này, các dự báo đều cho thấy, kinh tế thế giới nói chung hay kinh tế châu Âu, Mỹ không tốt lên, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Trên thực tế, xung đột Ukraine – Nga đang đi vào giai đoạn xấu hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế toàn châu Âu. Vậy nên, diễn biến thị trường tiêu thụ EU của hàng hóa Việt Nam khó khả quan hơn, ít nhất là trong năm 2024.
Đối với thị trường Mỹ, đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng nhưng tôi không kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc hay Việt Nam dần thay thế vai trò của Trung Quốc là công xưởng sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Mỹ.
Thứ nhất, sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia sau dấu mốc tháng 9-2023 (xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện) vẫn chưa có chuyển biến nổi bật so với trước kia. Thứ hai, xét về lợi thế cạnh tranh, Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư như Thái Lan, Singapore, đặc biệt là Ấn Độ với thị trường lớn, dân số hơn 1 tỉ người và chính sách thu hút đầu tư khôn khéo. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ vẫn có thể tăng nhưng theo kiểu phục hồi cơ học khi nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn, sức cầu tăng.
Nói chung, kinh tế của Việt Nam năm 2024 khó có đột biến bởi nếu xét động lực từ phía vĩ mô, phải có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Do vậy, theo quan điểm của tôi, trong năm 2024, Việt Nam nên tiếp tục tăng chi tiêu đầu tư công để tạo thêm động lực hỗ trợ nền sản xuất và doanh nghiệp.
Để nắm bắt cơ hội mới
- KTSG: Trong bối cảnh như vậy, hàng hóa Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội của mình ở những thị trường nào? Việt Nam nên có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị phần ở các thị trường này như thế nào?
- Trung Quốc là một trong số các thị trường mà Việt Nam nên cố gắng khai thác tốt hơn. Đây là thị trường mà Việt Nam có truyền thống nhập siêu, chẳng hạn, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sang Trung Quốc đạt hơn 61 tỉ đô la, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 111 tỉ đô la, nhập siêu khoảng 50 tỉ đô la. Cán cân chênh lệch quá lớn như vậy giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong đàm phán đề nghị Trung Quốc mở cửa hơn với hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường lớn, đòi hỏi về chất lượng hàng hóa không quá khắt khe như thị trường Mỹ, châu Âu. Việt Nam có lợi thế về địa lý khi nằm sát Trung Quốc. Chỉ cần chúng ta cân bằng hơn cán cân thương mại, tăng thêm được 10-20 tỉ đô la hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng được nhiều lợi nhuận, giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Để làm được như vậy, về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần có chính sách và định hướng khai thác thị trường Trung Quốc một cách bền vững hơn.
Đầu tiên là khuyến khích doanh nghiệp chuyển hướng sang thương mại bình đẳng, an toàn hơn, giảm thiểu những rủi ro của hàng hóa xuất khẩu theo chính sách biên mậu.
Thứ hai, Trung Quốc đang xây một loạt kho trung chuyển tạm trữ hàng hóa dọc biên giới. Trong tương lai, hàng hóa sẽ được vận chuyển thẳng từ các kho ấy phân phối thẳng tới các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, không qua các thương nhân, kho hàng tại các thị trường tiêu thụ. Việt Nam nên dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực thương mại quốc tế để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo sự công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tác động tiêu cực tới sản xuất và thương mại Việt Nam. - KTSG: Tại một cuộc hội thảo về hàng Việt Nam, ông từng đề xuất Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn tới các thị trường thuộc ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào… và Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nguyên nhân hàng Việt chưa tiếp cận tốt các thị trường này là gì và để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta nên có chính sách như thế nào?
- Đây đều là các thị trường mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn, nếu tính trên kim ngạch thương mại hai bên. Nhập siêu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) có thể lý giải được vì họ mạnh hơn chúng ta về kinh tế, công nghệ. Còn Indonesia, Malaysia, Thái Lan có trình độ phát triển tương đương hoặc nhỉnh hơn Việt Nam không đáng kể, Lào có nền kinh tế kém phát triển hơn chúng ta, tại sao chúng ta vẫn nhập siêu từ các thị trường này?
Sau rất nhiều năm công tác ở các nước khu vực ASEAN, tôi thấy các doanh nghiệp, sản phẩm của họ không hơn nhiều so với của Việt Nam. Chỉ có điều, doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn về marketing. Các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư hơn vào năng lực marketing, kiến tạo, khai thác thị trường, làm thương hiệu cho sản phẩm, đầu tư nghiên cứu và nắm bắt cơ hội ở những thị trường này.
Vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, hàng tiêu dùng Việt Nam đa phần thuộc nhóm nhỏ và vừa. Để phát triển một thị trường phải cần tới 1-2 năm, việc đầu tư tập trung vào tiếp thị, thiết lập kênh phân phối và không thể có lãi. Doanh nghiệp muốn phát triển thị trường nhưng không có vốn đầu tư. Tiếp cận vốn ngân hàng là phương án khó khả thi do ngân hàng thương mại Việt Nam không quen và không dám mạo hiểm duyệt các khoản vay với mục đích này. Tôi nghĩ, đây là vấn đề mà phía quản lý nhà nước phải thấy rõ và đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cần vốn để giải quyết các vấn đề sản xuất trong nước mà cần cơ chế hỗ trợ để khai phá, tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài.
Nhìn rộng hơn, các cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ và định hướng để doanh nghiệp trong nước nâng tầm năng lực cạnh tranh, để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều qua các nước ASEAN. Đây là những thị trường mà chúng ta đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), có vị trí địa lý gần Việt Nam và ít rủi ro hơn các thị trường Mỹ hay châu Âu, cả về mặt thương mại lẫn về mặt địa chính trị.
Quan trọng không kém, chỉ khi doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn, chúng ta mới hạn chế được việc các doanh nghiệp Thái Lan, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… dần dần thâu tóm một số doanh nghiệp đã có tên tuổi, thương hiệu trong nước. Thậm chí, doanh nghiệp Việt Nam phải đủ mạnh để có thể thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập các doanh nghiệp tiềm năng ở các thị trường nước ngoài.
Hoàng Hạnh - thesaigontimes.vn