fbpx

Tại sao hàng năm người ta cứ phải tỉa cành, dọn rễ cây? Rồi cứ mỗi độ xuân về thì người ta lại vặt lá trụi lủi? Vâng, cây trồng lâu năm thì dễ bị cằn cỗi, suy yếu, lá ra nhỏ dần và hoa do vậy cũng vừa ít lại vừa nhỏ, nếu để lâu cây sẽ chết dần.

 Đọt non

Tỉa cành là cắt tỉa đi những cành đã già cỗi, để cây đâm ra những chồi mới, hình thành những nhánh mới khỏe mạnh. Còn vặt lá vào thời gian cây sắp ra hoa là ép cây tập trung nguồn lực cho việc trổ bông, để cây cho ra nhiều hoa hơn.

Dọn rễ kết hợp với bón phân là để loại đi những nhánh rễ cũ đã bị cằn cỗi ung thối, để kích thích cây phát triển ra rễ mới, giúp cây hút dinh dưỡng từ đất tốt hơn, tạo ra nguồn năng lượng mới để cây tiếp tục phát triển. Việc này các nhà vườn thực hiện theo chu kỳ, với cây Mai thì thường là hàng năm.

Doanh nghiệp tuy không phải là cỏ cây nhưng cũng không nằm ngoài qui luật mang tính sinh tồn này của thiên nhiên.

Doanh nghiệp hoạt động lâu năm thì cũng thường phát sinh những vấn đề như cây: sức ỳ lớn, hoạt động theo lối mòn, phát sinh tiêu cực, lãng phí. Dẫn đến doanh nghiệp sẽ trở nên kém hiệu quả dần như khi cây bị cằn cỗi và khô héo dần.

Doanh nghiệp hoạt động lâu ngày mà không có áp lực tác động bởi những sự thay đổi, thì cũng như cây lâu năm dễ bị mục rễ, thối gốc. Tức là những con người trong doanh nghiệp ấy từ là những người tốt, sẽ bị mất dần động lực phấn đấu, mất khả năng sáng tạo, thậm chí trở nên tiêu cực.

Vậy nên để giữ cho doanh nghiệp luôn có động lực mới để phát triển, để hạn chế những phát sinh tiêu cực, chây ỳ, doanh nghiệp cũng cần được định kỳ "tỉa cành, vặt lá và dọn rễ", gọi là "cải tổ" hay "tái cấu trúc".

Ở các tập đoàn lớn, việc tái cấu trúc doanh nghiệp thường được thực hiện định kỳ mỗi 2, 3 năm, tùy theo tình hình và kết quả kinh doanh.

Tái cấu trúc cũng như việc tỉa cành, tức là loại bỏ những bộ phận yếu kém, sáp nhập hay giảm qui mô những bộ phận kém quan trọng, dành nguồn lực để lập nên những bộ phận mới để đáp ứng nhu cầu mới và nắm bắt cơ hội mới trên thị trường.

Ở qui mô nhỏ thì là loại bỏ những sản phẩm, dịch vụ kém hiệu quả, hay dừng kinh doanh ở những phân khúc thị trường kém hiệu quả để tập trung vốn liếng và nhân lực vào những sản phẩm, dịch vụ hay thị trường mang lại suất lợi nhuận tốt hơn.

Nếu tỉa cành thường đi kèm với dọn rễ, thì tái cấu trúc bộ máy tổ chức hay cải tổ cũng phải đi kèm với sắp xếp lại nhân sự. Bởi cũng như cây, tỉa cành mà không dọn rễ, thì bộ rễ cũ cũng sẽ không giúp hút thêm chất dinh dưỡng đủ cho cây đâm ra những nhánh mới khỏe mạnh được.

Tái cấu trúc doanh nghiệp cũng phải đi kèm theo việc sắp xếp lại nhân sự, loại bỏ hay sắp xếp lại những người đã bị mất, suy giảm động lực phấn đấu, tạo điều kiện cho những nhân sự mới có năng lực tốt hơn có cơ hội thể hiện tài năng. Nếu bạn không tỉa bớt, loại bỏ những nhánh rễ già cỗi chen lấn chằn chịt, thì làm gì có chỗ để cho rễ mới đâm ra!

Cắt, tỉa bỏ cành cũ già cỗi, thì mới kích thích các chồi mới đâm ra. Bộ rễ có khỏe mạnh thì cây mới bám đất tốt, mới hút nhiều dinh dưỡng để nuôi thân cây nảy nở ra được nhiều chồi, nhiều nhánh mới khỏe mạnh. Từ đó cành lá mới tươi tốt, hoa mới đẹp, và trái mới nhiều.

Anh chị đã bao giờ tính chuyện "tỉa cành", "tỉa lá" và "dọn rễ" cho doanh nghiệp mình chưa?

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị

Pin It

Đăng Nhập