Sáng hôm qua tôi có cơ hội chia sẻ với mọi người tại một buổi sinh hoạt Offline của Group Quản Lý Doanh Nghiệp về một số điều rút ra về những trở ngại thách thức khi doanh nghiệp (Việt Nam) triển khai áp dụng những phương thức và công cụ quản lý tiên tiến của nước ngoài.

Hoạch định quản lý doanh nghiệp

Thực ra đây là một vấn đề lớn, quá lớn để mà có thể gói gọn trong vòng 2,3 giờ, nên tôi chỉ lướt nhanh qua phần cơ bản chỉ để dẫn dắt câu chuyện, rồi đi ngay vào phần chính là phân tích để chỉ ra nguyên nhân vì sao người ta triển khai áp dụng dễ dàng, còn chúng ta thì khó vậy.

Theo nghiên cứu của tôi, thì chúng ta có một cái khoảng cách khá lớn về công tác hoạch định doanh nghiệp so với thế giới mà chúng ta không nhận ra.
Tức là nhiều người muốn "đi tắt đón đầu" ứng dụng các phương thức và công cụ quản lý tiên tiến ngay tại giai đoạn hiện tại của các nước phát triển, mà không thông qua các giai đoạn phát triển trước đây.
Hệ quả là chúng ta gặp khó khăn vì chúng ta thiếu những nền tảng quản lý mà người ta đã thiết lập trong các giai đoạn quản lý trước đây.

Một ví dụ là trong khi đối với các công ty nước ngoài, việc lập kế hoạch hoạt động là một kỹ năng rất bình thường mà ngay cả một nhân viên cấp thừa hành cũng phải làm được (kế hoạch bán hàng, kế hoạch đi thăm khách hàng, kế hoạch làm việc trong tháng, năm...), thì rất nhiều cấp quản lý của chúng ta lại chưa có kỹ năng này. Các anh chị quản lý này không xây dựng được kế hoạch hoạt động cho mình và cho đơn vị, phòng ban mà mình quản lý.
Theo tiêu chuẩn năng lực quản lý, thì như vậy là không đạt. Làm việc mà không có kế hoạch thì chỉ có thể gọi là cai, là đốc công chứ không gọi là quản lý được (manager).

Theo tôi, sở dĩ chúng ta có một khoảng cách về năng lực như vậy là vì các nước người ta đã đi trước nhiều chục năm, thậm chí cả trăm năm. Và họ đã trải qua nhiều giai đoạn cải tổ nâng cấp trước khi đến giai đoạn hiện tại (hình).
Còn chúng ta thì chỉ mới bước ra từ môi trường kinh tế XHCN trong khoảng hơn 10 năm nay. Chúng ta đã quen với việc cấp dưới chỉ thuần làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, có cái gì thì bán cái đó, có bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, kế hoạch thì từ trên ấn xuống, làm không đạt thì xin điều chỉnh cho đạt, hầu như không có chỗ cho tư duy hoạch định độc lập, tự chủ và sáng tạo trong kinh doanh.

Thêm vào đó, cho đến hiện tại do kinh tế nhà nước vẫn còn đang đóng vai trò chủ đạo, mang tính dẫn dắt, nên mô hình tổ chức và quản lý của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nêu trên, vẫn đang có ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân.
Một phần do quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa đang xảy ra, một phần do nhiều doanh nhân bước ra làm ăn riêng từ môi trường DNNN. Các anh chị doanh nhân này không có nguồn tham khảo nào khác về tổ chức kinh doanh và quản lý, ngoài cách tổ chức quản lý của nhà nước nơi họ đã làm việc trước đây.

Tôi cho rằng nếu không nhận ra điều này, thì không tìm ra được giải pháp đúng đắn, và do vậy sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn, lãng phí nguồn lực khi tiếp cận các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến của nước ngoài.

Giải pháp thì tùy vào mức độ set up, qui mô, trình độ nguồn lực và đặc thù của từng doanh nghiệp. Người trình bày chỉ hy vọng một khi đã nhận ra vấn đề thì mọi người sẽ tự biết mình cần làm gì để có thể "close the gap" và sẽ thành công trong việc ứng dụng các phương thức quản lý hiện đại.

Đỗ Hòa - Tư Vấn Quản Lý

Đăng Nhập