Muốn doanh nghiệp phát triển nhanh, thì người chủ doanh nghiệp phải hướng đến sự tích tụ ít nhất là 2 thứ: tài chính (finance) và nhân tài (talent).

1 dy4RRS0xQomyv7Tr EcHEwTrong xã hội tư bản, không có công ty hay tập đoàn nào có thể phát triển lớn nếu thiếu 1 trong hai thứ này. Đơn giản là vì đó chính là ý nghĩa của khái niệm tư bản.

Tư bản là các tư nhân sở hữu các công cụ sản xuất (vốn, hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên và lao động). Các nhà tư bản tìm kiếm lợi nhuận và làm giàu từ việc khai thác hiệu quả 4 nguồn lực này.

Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các mô hình kinh doanh mới ra đời, và tư bản thời nay chỉ cần tập trung chủ yếu vào 2 yếu tố: vốn (capital), và con người (human resource). Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn thời nay chỉ quản lý 2 thứ này!

Vậy tôi cho rằng, trong thời đại kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ai có thể tiếp cận vốn với giá rẻ, sử dụng vốn hiệu quả hơn, và ai có nhiều nhân tài hơn, thì người đó sẽ chiến thắng.

Để khai thác vốn hiệu quả, các nhà quản lý đã tìm cách sử dụng nhiều nguồn tài chính ngoài số vốn tự có, gọi là dùng đòn bẩy tài chính.

Và để khai thác con người hiệu quả, họ tập trung vào thu hút nhân tài từ bên ngoài, kết hợp với phát triển nhân tài từ trong nội bộ.

Có vốn nhiều thì qui mô kinh doanh mua vào bán ra mới lớn. Nhưng để khai thác vốn cũng như tổ chức kinh doanh và quản lý có hiệu quả, thì cần những con người có chất lượng cao, gọi chung là nhân tài.

Hãy nhìn các tập đoàn hàng đầu thế giới: Berkshire Hathaway, Alphabet, Verizon, Roche, Tencent, Wells Fargo AT&T, JPMorgan Chase, Johnson & Johnson, Microsoft, Facebook, Apple, Samsung, Sony, Nestle, Shell, BP...
Các tập đoàn này họ tập trung vào gì? Con người!
Còn về tài chính, vì tiếp cận vốn không còn là điều khó khăn đối với họ nữa, nên họ chỉ việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Còn các tập đoàn lớn tại VN thì sao? Hãy nhìn Vingroup, TGDĐ, TTC, SSI, Masan... họ tập trung vào điều gì?
Họ cũng tìm mọi cách để tạo nguồn vốn, tìm mọi cách để thu hút vốn từ bên ngoài (góp vốn thành lập ngân hàng, tham gia lập sàn chứng khoán, huy động vốn từ công chúng trên sàn chứng khoán, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, yêu cầu người mua căn hộ ứng vốn, chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp...)

Ngoài vốn ra, họ cũng tập trung vào con người. Họ tìm cách chiêu mộ nhân tài (săn người trẻ xuất sắc về để đào tạo, mời người giỏi từ các tập đoàn đa quốc gia), một số nơi đã bắt đầu đầu tư vào phát triển nhân tài từ trong nội bộ, và họ có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với người tài.

Nhìn từ góc độ nhà nước, gọi là chính phủ kiến tạo thì chính là phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận 2 yếu tố này: vốn nhiều với chi phí vốn rẻ, và con người tài giỏi.

Nếu bạn cày bừa đã lâu mà doanh nghiệp mình chưa lớn, hãy xem lại liệu rằng bạn có quá vì mãi mê tập trung vào những thứ khác mà "quên", hoặc không dành sự chú ý thích đáng đến việc tích tụ hai yếu tố trên hay không?

Kinh doanh cái gì thì phải có sự đam mê, nhưng có lẽ đam mê kiếm tiền thì nhanh thành tư sản hơn là đam mê code, đam mê sản xuất, đam mê kỹ thuật, đam mê chế biến, và cả đam mê nghiên cứu quản lý (như tôi).

Đỗ Hòa - Tư Vấn Chiến Lược

Đăng Nhập