Khi tham gia một thị trường mới, một ngành hàng mới, thì việc có trụ được lâu dài hay không, vấn đề không nằm ở vốn nhiều hay ít, hay ý chí và quyết tâm của người kinh doanh cao bao nhiêu, mà nằm ở chỗ anh có lợi thế cạnh tranh đối với thị trường ấy, ngành hàng ấy hay không.

Khi có người lao vào thị trường với một bao tiền lớn cộng với một ý chí rất cao thì bất kỳ đối thủ nào cũng phải e dè. Bởi với một số vốn khủng anh có thể tung ra nhiều chiêu để đè bẹp đối thủ nhỏ, làm cho các đối thủ lớn phải lao đao, ai yếu thì thậm chí có thể phá sản.
Còn với một ý chí cao thì anh sẽ là một đối thủ nguy hiểm, bởi anh sẽ tìm mọi cách để thực hiện ý đồ của mình đến nơi đến chốn, và anh sẽ thực hiện nó một cách nhanh chóng, bất luận đúng hay sai.

Tuy nhiên, thực tế xảy ra cho thấy vốn khủng cộng với ý chí cao là chưa đủ để thành công về lâu dài. Bởi vốn dù có nhiều đến mấy thì cũng có hạn, không một ai có thể tung tiền ra như nước hết năm này đến năm khác. Mà đến một lúc nào đó anh sẽ phải nhìn lại xem giữa cái bỏ ra (tiền và công sức của mình) với cái thu lại được nó có tương xứng hay không.

Và khi mà kết quả thực tế đã làm anh giật mình, thì đó chính là lúc mà cái ý chí mạnh mẽ ấy bắt đầu lung lay. Anh kịp nhận ra mình không tài ba như mình đã từng nghĩ, không phải bất kỳ cái gì mà mình muốn, thì mình cũng sẽ làm được. Rút lui là quyết định đúng đắn nhất vào lúc ấy.

Suy cho cùng, vốn khủng cộng với ý chí cao là một sự thuận lợi to lớn lúc ban đầu. Nhưng để thành công về lâu dài thì như thế là chưa đủ, mà còn cần phải có một chiến lược kinh doanh tốt.

Lợi thế cạnh tranh chính là nền tảng của một chiến lược kinh doanh tốt.

Một số doanh nghiệp có một lợi thế cạnh tranh tuyệt đối so với các đối thủ khác trên một số thị trường đặc thù trong nước, nhờ họ xác định đúng những yếu tố quyết định của ngành kinh doanh ấy (critical sucess factors), và họ đầu tư thích đáng vào các CSF này.

Nhưng nếu doanh nghiệp ấy tham gia vào những ngành mà thị trường có độ mở cao, hội nhập sâu rộng với thế giới như: bán lẻ, sản xuất điện thoại di động, TV, phần mềm, giáo dục và xe hơi... thì mọi người đều như nhau.

Với những ngành này, lợi thế cạnh tranh của từng ngành là khác nhau, và để tạo nên được lợi thế cạnh tranh đòi hỏi không chỉ vốn mà còn rất nhiều thời gian và công sức, chẳng hạn để nắm bắt và làm chủ công nghệ lõi.

Có những ngành mà một mình doanh nghiệp đơn độc thì cho dù ý chí có cao mấy cũng khó mà có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình được. Đó là những ngành mà công nghệ lõi của nó doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nơi khác (đối thủ của mình).

Điều gì làm nên lợi thế cạnh tranh?

Đó là năng lực và trình độ chuyên môn của từng con người (năng lực R&D, thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và bán hàng, dịch vụ khách hàng) có liên quan đến một ngành hàng cụ thể, được tích hợp một cách khéo léo, khoa học trong một bộ máy (năng lực tổ chức, quản lý, vận hành, số hóa), và được định hướng hoạt động một cách khôn ngoan (năng lực tư duy và hoạch định chiến lược).

Tức nhiên, không phải ai cũng có cái may mắn để có được một vài lợi thế cạnh tranh ngay từ ban đầu. Vậy nên không có thì phải làm cho có. Còn đã xác định được rằng mình không thể có được lợi thế cạnh tranh nào, thì tốt hơn hết là không nên tham gia thị trường ấy, ngành hàng ấy.

Những điều trên là không mới đối với những ai tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường tự do, ở các quốc gia phát triển, và cả những người học kinh doanh ở các trường kinh doanh lớn trên thế giới thì cũng đều biết điều này.
Nhưng ở VN thì vẫn còn rất nhiều người không/chưa tin!

Đỗ Hòa - on Strategy  

Login Form