Thương hiệu là một yếu tố quyết định của sản phẩm, điều đó có lẽ là quá rõ, không có gì phải bàn. Nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho việc xây dựng thương hiệu chưa?
Đối với nhiều mặt hàng, thương hiệu quyết định đến 70% giá trị, giá thành sản xuất chỉ chiếm khoảng 30%.
Vấn đề là nhiều người có thể bỏ ra hàng chục tỉ để đầu tư sản xuất, nhưng lại không chịu bỏ ra 1/2 số ấy để xây dựng thương hiệu.
Từ phôi thai, ngay khi bắt tay làm kế hoạch kinh doanh cho sản phẩm mới, người ta tính doanh thu dựa trên giá bán của nhóm sản phẩm tham chiếu đang dẫn đầu thị trường.
Nhưng trong phần kế hoạch tài chính, họ lại không phân bổ khoản ngân sách cần thiết để giúp cho sản phẩm có thể bán được ở mức giá đó. Tức là họ không dành khoảng tiền nào cho việc đầu tư xây dựng thương hiệu ở giai đoạn đầu.
Đến khi tung sản phẩm ra thị trường, họ loay hoay không biết làm thể nào bán được ở mức giá đã tính toán. Rồi họ nhận ra là vì sản phẩm của mình "không có thương hiệu". Để đối phó, họ trích từ chi phí kinh doanh ra một khoảng (thường là mộ tỉ lệ % trên doanh thu) để "làm thương hiệu".
Hàng mới ra chưa bán được bao nhiêu thì doanh thu đương nhiên là rất nhỏ. Mà doanh thu nhỏ, thì tỉ lệ chi phí làm thương hiệu kia tất nhiên là cũng rất rất nhỏ.
Và với mức chi phí nhỏ nhoi ấy, việc "có được một thương hiệu để bán hàng cho dễ" chỉ là một giấc mơ không bao giờ hiện thực hóa được trong một sớm một chiều.
Trường hợp này, tôi xem như là kế hoạch kinh doanh của sản phẩm này đã thất bại từ khâu lập kế hoạch.
Và ngay cả sau khi nhận ra sai sót của mình, thì cũng có rất ít người đủ can đảm để sửa sai bằng việc phân bổ bổ sung riêng một khoảng ngân sách để xây dựng thương hiệu.
Lí do là vì sau vài tháng hăm hở mà không bán được bao nhiêu thì máu lửa và niềm tin vào sản phẩm của mình cũng đã bị vơi đi khá nhiều.
Và như vậy, một sản phẩm đầy tiềm năng xem như đã mất cơ hội cất cánh.
Rất tiếc là trường hợp này đến nay vẫn còn khá phổ biến.
Đỗ Hòa
Góc Nhìn Chiến Lược