fbpx

(BizLive) Giới doanh nhân TP.HCM hầu như đều biết đến ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, người được đánh giá là một nhà quản trị giàu kinh nghiệm, bộc trực, thẳng thắn và sắc sảo.

Khi còn trong vai trò Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Shell, ông đã thành công trong việc lãnh đạo một đội ngũ đa quốc tịch, đa chủng tộc, đa tôn giáo đạt thành tích kinh doanh cao, liên tục duy trì vị trí dẫn đầu.

Là sếp Việt Nam duy nhất đứng đầu một văn phòng tại tập đoàn thương mại Okura (Nhật), ông từng được mời đích danh tham gia vào Hội đồng Cố vấn của Harvard Business Review...

Ít ai biết ông Hòa xuất thân từ một chằng trai nghèo không bằng cấp, vươn lên bằng tự học, với những lối rẽ cuộc đời không theo chuẩn mực thông thường.
Người “4 nhất”

Ông Hòa kể với BizLIVE:

- Tôi nghĩ ai cũng có hoàn cảnh, khó khăn riêng. Những năm sau giải phóng, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ba tôi dù làm việc vất vả vẫn không nuôi nổi cả gia đình như trước. Các anh chị tôi thì vì lý lịch gia đình, nên cũng không có việc làm ổn định.
Năm 1975, khi ấy tôi 15 tuổi, ba tôi gọi người đến nhà để bán bớt đi một cái tủ áo quần, vì nhà không còn gạo để ăn. Tối hôm đó, nằm trên giường, tôi khóc.
Sau đó, dù ba vẫn muốn tôi tiếp tục đi học, nhưng nghĩ đến gia cảnh, lại nhìn thấy các anh chị lớn học hết lớp 12 vẫn không được vào đại học vì lý lịch, tôi quyết định nghỉ học để đi làm phụ gia đình.

Khi còn đi học, tôi nghĩ đơn giản cứ làm gì cũng được, miễn sao có tiền.

Nhưng ra đời, đi làm, mới thấy thấm thía thân phận một đứa trẻ không nghề nghiệp, không bằng cấp. Tôi chỉ có thể làm những công việc lao động chân tay, và tất nhiên là số tiền kiếm được so với người khác cũng rất khiêm tốn.

Tôi quyết tâm đi học lại, vì không muốn có một tương lai ảm đạm như thế. Tôi tin, mình cũng có thể có một cuộc sống tốt hơn, như bao nhiêu người khác.
Vậy là ngày đi làm, tối đi học, hết cấp 3 học tiếp đại học, cứ thế, vì động cơ học để đổi đời, nên học rất chăm, rất chuyên cần, điểm số của tôi luôn nhất nhì lớp.
Khi học đại học, tôi lại đứng trước những chọn lựa. Một số bạn tôi học Bách Khoa để ra làm kỹ sư, một số khác học tiếng Nga theo xu thế lúc ấy. Riêng tôi không thích làm kỹ sư, vì những loại công việc có tính cách lặp đi lặp lại không phù hợp với tôi.

Thời ấy tại Đại học Ngoại ngữ, thì 80% là lớp tiếng Nga, rồi đến tiếng Trung, tiếng Anh thường chỉ một lớp.

Tôi nghĩ, nếu học tiếng Nga thì cho dù có cố mấy, cũng khó mà giỏi bằng các anh chị khác học ở Liên Xô về, nên tôi chọn học một môn mà tôi có cơ hội vượt lên, hơn người khác, nếu tôi thật sự muốn thế. Vậy là tôi chọn môn tiếng Anh.

Trong công việc, cho dù làm gì tôi cũng luôn cố gắng làm một cách tốt nhất có thể. Động cơ của tôi là làm để vươn lên, làm vì tôi chứ không phải vì ai khác.
Xác định tư tưởng như vậy, tôi không phải so đo công sức mà mình bỏ ra với mức thu nhập mà người ta trả cho tôi. Và có lẽ nhờ thế tôi tiến thân trong công việc rất nhanh.

Lúc còn làm cơ quan nhà nước, dù là người “4 nhất” trong đơn vị - nhỏ tuổi nhất, bằng cấp thấp nhất, lý lịch xấu nhất và nghèo nhất - nhưng tôi luôn là người được biểu dương về thành tích công việc, là người có kỷ lục lên lương nhanh tại cơ quan.

Chính sách lúc ấy cứ 5 năm nếu không vi phạm gì thì được lên một bậc lương, còn thành tích khá thì 3 năm được xét lên lương, vậy mà 4 năm đầu tôi lên 4 bậc lương!
Tôi may mắn gặp một người sếp có tâm, chính ông đã đi “đấu tranh” với phòng tổ chức để tôi được đặc cách trong 4 năm liền. Ông nói, “năng lực và thành tích của nó hơn hẳn những người lương cao trong phòng này, nên không thể để thế được”.

Lên đến vị trí trợ lý tổng giám đốc thì tôi đã đụng trần, vì muốn lên nữa, trở thành trưởng phòng chẳng hạn, thì phải là đảng viên. Một đứa có lý lịch xấu nhất phòng như tôi thì mong gì.

Vậy là tôi tìm cơ hội tốt hơn ở công ty nước ngoài, và xin nghỉ việc.

Người Việt không phải chỉ có vậy

Sau khi vươn lên trở thành sếp người Việt duy nhất tại Shell, rồi Okura, ông lại quyết định từ chức để làm... chân bán hàng cho một tập đoàn đa quốc gia, với mức lương chỉ bằng 1/4 so với trước?

Nhờ xác định làm việc vì chính mình, nên tôi cũng có được sự thăng tiến nhanh trong các công ty liên doanh, công ty nước ngoài. Sau khi rời cơ quan Nhà nước được hai năm, thì có công ty nước ngoài thuê tôi làm tổng giám đốc. Và đó là vị trí tổng giám đốc đầu tiên của tôi, lúc 34 tuổi.

Sau khi được mời làm tổng giám đốc tại 3 công ty nước ngoài, tôi nhận ra rằng chỉ sự tận tâm và cần cù không đủ giúp tôi tiếp tục thăng tiến, nên tôi tìm cơ hội để học hỏi nâng cao trình độ quản lý.

Do lúc ấy ở Việt Nam chưa có ai dạy quản lý, nên cách duy nhất là xin vào các tập đoàn lớn để học từ thực tế, học từ cách họ quản lý kinh doanh.
Vậy là từ chức vụ tổng giám đốc một công ty của Nhật Bản, tôi xin vào làm chân bán hàng của một tập đoàn đa quốc gia, với mức lương chỉ bằng 1/4 mức lương cũ.
Khi ông sếp phỏng vấn và hỏi tôi về việc này, tôi nói: “Tôi nghĩ mức lương và vị trí này chỉ là tạm thời. Tôi tin rằng tôi có thể đóng góp cho công ty nhiều hơn, nhưng tôi cũng hiểu là công ty cần tôi chứng minh bằng hiệu quả thực tế”.

Cuối năm ấy thôi, ông Tổng giám đốc đã gọi tôi vào phòng và thông báo cho tôi biết rằng tôi được công ty đánh giá là “best performance staff” (nhân viên làm việc hiệu quả nhất) của công ty, kèm theo tiền thưởng là quyết định thăng chức lên làm trưởng phòng, với một mức lương mới.

Đến năm thứ ba tại tập đoàn này, tôi được cất nhắc lên phụ trách một công việc cấp vùng. Tôi bắt đầu phải đi lại rất thường xuyên tới các quốc gia trong ASEAN để làm việc.

Từ vị trí quản lý này, tôi cũng được tập đoàn đầu tư nhiều về đào tạo nâng cao năng lực. Với tôi, được học như nắng hạn lâu ngày gặp mưa, tôi học như để bù lại những năm còn trẻ không được học.

Tôi không chỉ học các khóa có liên quan đến công việc, mà còn xin học các khóa thuộc những lĩnh vực khác. Tôi còn tranh thủ những chuyến đi công tác để đọc sách, mỗi chuyến đi về thế nào tôi cũng mua vài cuốn sách mới để đọc.

Thời đấy ở Việt Nam chưa đâu bán sách kinh tế thị trường tự do và quản trị kinh doanh. Mãi đến sau này, khi biết chuyện, cấp trên của tôi mới ngỏ ý chấp thuận để công ty chi trả một phần tiền sách và tạp chí mà tôi mua.

Lúc ấy để đăng ký mua tạp chí Harvard Business Review và McKinsey Quarterly, tôi đã phải mua từ Châu Âu, vì họ không chấp nhận thanh toán từ Việt Nam.
Quyết liệt vào bằng được các công ty đa quốc gia, nhưng khi đã thành đạt, ông lại quyết định rời bỏ mọi thứ, để đầu quân cho các công ty trong nước?
Lúc làm việc cấp vùng, phải đi lại nhiều, tôi nhận ra ở một số quốc gia, người dân ở đó còn thiếu sự tôn trọng đối với người Việt.

Lý do là vì họ không có thông tin từ Việt Nam, nên họ cảm nhận người Việt qua những người đến từ Việt Nam và qua những việc không hay mà những người này làm trên đất nước của họ.

Tôi rất buồn và xấu hổ với các đồng nghiệp nước ngoài về điều đó. Vậy là tôi có thêm một động lực để quyết tâm làm việc, tôi muốn chứng minh cho các đồng nghiệp của mình thấy rằng người Việt không phải chỉ có vậy.

Năm đó, nhờ thành tích làm việc tốt, tôi được một sếp ở Châu Âu phụ trách toàn cầu, chọn và bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Chiến lược và Marketing cho cả vùng Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 10 nước ASEAN, Úc và New Zealand.

Tôi rất lấy làm tự hào về việc này, vì với vị trí đó, những người trước đây đã từng là cấp trên của tôi, thì nay trở thành cấp dưới.
Sau những năm chinh chiến ở nước ngoài, nhìn lại, thấy Việt Nam mình sao chậm tiến quá, thua kém người ta quá, tôi quyết định rời bỏ công việc ở tập đoàn nước ngoài để quay về Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp Việt.

Đã đi thì phải đi đến cùng

Nhưng, ông lại thất bại khi trở về làm CEO cho Trung Nguyên, Kềm Nghĩa... Sự thất bại ấy đã giúp ông nhìn nhận lại những giá trị sống, giá trị kinh doanh của mình như thế nào?

Tuy không thành công như ý muốn, nhưng tôi cũng không hề cảm thấy hối tiếc quyết định của mình. Thời gian trực tiếp đóng góp cho hai doanh nghiệp Việt Nam của tôi là không dài, nhưng cũng đủ để tôi thực hiện hai điều:

- Hiểu doanh nghiệp Việt, nắm bắt, cập nhật về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
- Áp dụng những gì mình học từ công ty nước ngoài vào xem có hiệu quả không.

Câu trả lời là có. Tôi đã có thể tăng tỉ suất lợi nhuận một doanh nghiệp từ 13% lên 21% chỉ sau 10 tháng. Rất tiếc là vì không có cùng quan điểm về quản lý và tham vọng phát triển, tôi đã quyết định rời bỏ công ty ấy.

Không có cơ hội để trực tiếp dẫn dắt một doanh nghiệp Việt lên tầm khu vực, lên đẳng cấp quốc tế, tôi quay sang làm một công việc mà tôi có thể gián tiếp thực hiện mục tiêu này, đó là công việc tư vấn hiện tại.

Sau mỗi quyết định như thế, ông có thấy mình trưởng thành và mạnh mẽ hơn không?

Thực ra, nếu muốn, tôi vẫn có thể quay lại với môi trường nước ngoài. Đã có nhiều lời mời từ phía các công ty nước ngoài. Nhưng tính tôi kiên định, đã đi thì phải đi đến cùng, đã làm thì phải làm cho ra kết quả.

Và đó là lý do vì sao, mà tôi không nản chí trước những khó khăn, thách thức. Sắp tới tuổi về hưu, nhưng tôi vẫn lao vào tổ chức những công việc xã hội một cách hăng say.

Dù khó khăn, nhưng tôi vẫn tin rằng mình sẽ làm được, như mình đã từng làm được!

KIM YẾN/BizLive

Đăng Nhập