Thời gian gần đây, nhiều người nói về năng lực lõi, và giới quản lý ai cũng đồng ý rằng năng lực lõi là yếu tố mang tính quan trọng sống còn của doanh nghiệp.
Nhưng chúng ta thường chỉ dừng ở việc tìm kiếm, xác định năng lực lõi của tổ chức, doanh nghiệp là gì thôi. Chứ ít ai chịu nghiên cứu xem năng lực lõi của một doanh nghiệp từ đâu mà có.

Năng Lực Lõi

Năng lực lõi không phải là cái nhà máy hay các thiết bị, hay hệ thống cửa hàng, bởi những thứ ấy ai có tiền thì sẽ có thể sở hữu được.
Và cũng không phải là công nghệ, bởi vì người khác có thể nhanh chóng bắt chước mình (như trường hợp Uber).

Năng lực lõi của doanh nghiệp là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm được tích lũy, chia sẻ và được không ngừng cải tiến, nâng cao hàng ngày bởi những con người trong doanh nghiệp. Nói một cách khác, năng lực lõi là năng lực của một đội ngũ mạnh.

Để có một đội ngũ mạnh, có thành tích cao, luôn sáng tạo và đột phá, thì điều kiện tiên quyết là phải tạo ra được một môi trường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong đội ngũ đó. Và điều này bao gồm cả kinh nghiệm thành công lẫn kinh nghiệm thất bại.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt không phát triển được, trì trệ và kém hiệu quả vì bị vướng vào văn hóa "hồn ai nấy giữ" trong doanh nghiệp. Theo đó, ai biết cái gì hay thì khư khư giữ cho mình mà không chia sẻ cho đồng nghiệp. Ai bị thất bại thì cũng dấu diếm, không chịu chia sẻ nguyên nhân và bài học cho đồng nghiệp của mình để mọi người có thể tránh không đi vào vết xe đổ ấy.

Kết cục là trong khi các đối thủ thì không ngừng tiến bộ, còn mình thì cùng một bài học, doanh nghiệp phải trả giá nhiều lần, tại nhiều đơn vị phòng ban khác nhau, hoặc trong cùng một đơn vị nhưng nhiệm kỳ người quản lý khác. Dẫn đến lãng phí nguồn lực và hoạt động kém hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề này, về mặt kỹ thuật, người ta xây dựng cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ giữa những người có nhu cầu phải biết để làm tốt công việc, những người cùng cấp, người có thẩm quyền cao hơn cần biết để quản lý.

Nhưng vấn đề là không phải kiến thức và kinh nghiệm nào trong doanh nghiệp cũng có thể được đóng gói và thể hiện trọn vẹn bằng văn bản chứng từ để mà lưu trữ và chia sẻ như trên. Có những thủ thuật rất nhỏ, chỉ gói trọn trong một câu, nhưng có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhiều tiền bạc.

Và đó chính là lý do vì sao mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần một môi trường mà mọi người được khuyến khích chia sẻ không chỉ những kinh nghiệm phức tạp, mà cả những thủ thuật đơn giản.
Và yêu cầu ấy, môi trường ấy, chỉ có thể được tạo ra thông qua văn hóa doanh nghiệp: văn hóa chia sẻ, hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ, cùng giúp nhau làm tốt công việc chung.

Để tạo ra môi trường này, bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý, người ta còn đặt ra các kỹ năng khác như:

- Lắng nghe
- Kèm cặp phát triển nhân viên cấp dưới.

Và về hành vi ứng xử thì người ta đề ra các chuẩn mực như sau:

- Enterprise first (phải đặt lợi ích của công ty lên trên hết)
- Team work (phải làm việc cùng nhau, chia sẻ công việc và trách nhiệm với nhau)
- Best practice sharing (phải chia sẻ với nhau những điều hay)
- 360 degree feedback, left-hand column (phản hồi, chia sẻ, góp ý về những mặt chưa tốt)

Nhưng để cho các hành vi ứng xử trên có thể xảy ra thì những người trong đội ngũ phải có nhận thức sau:

- D&I (nhận thức thừa nhận sự đa dạng của đội ngũ, tôn trọng sự khác biệt giữa từng cá nhân về văn hóa, màu da, chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, vùng miền, học vấn). Vì phải có nhận thức D&I thì mọi người mới chịu lắng nghe nhau, mới không phân biệt, mới không bỏ quên ai.

Theo bài bản quản lý của phương Tây thì phải làm được những việc trên, thì mới mong một ngày nào đó doanh nghiệp có năng lực lõi.

Đỗ Hòa

TINH HOA QUẢN TRỊ

Đăng Nhập