Tại sao cũng những con người ấy, khi nằm dưới tay người này thì họ chỉ là những con người mờ nhạt, nhưng khi được người khác lãnh đạo, dẫn dắt thì họ bổng dưng trở mình trở thành những con người khác, họ tỏa sáng như những ngôi sao?

Sir Alex Ferguson leadership skillsTrong quá khứ, mỗi khi tìm HLV cho đội tuyển nhiều quan chức thường đi tìm người có năng lực chuyên môn nhưng phải "chịu hợp tác". Tức là họ tìm người giỏi huấn luyện chuyên môn, còn lại thì phải chịu nghe lời và làm theo ý muốn của quan chức bóng đá cấp trên.

Tức là các vị quan chức bóng đá muốn họ là người lãnh đạo đội bóng, là người có quyền chọn ai vào đội tuyển, bố trí ai đá ở đâu, chỉ đạo ai vào ai ra, lương hướng bao nhiêu, cho ai quyền lợi gì... họ phải là người mà các cầu thủ hướng đến để nghe chỉ đạo.

Kết quả là những HLV làm được với liên đoàn trong quá khứ thường là những nhà chuyên môn "hiền hậu và tốt bụng", chứ vừa có năng lực chuyên môn lại vừa có năng lực lãnh đạo và có cá tính như ông Park thì là người đầu tiên.

Theo cách nói của tôi, thì các HLV trước đây chỉ là những nhà chuyên môn về huấn luyện kỹ năng bóng đá, chứ họ chưa phải là người lãnh đạo đội bóng thực thụ.

Họ chỉ làm công việc chuyên môn (huấn luyện kỹ năng, đề ra chiến lược thi đấu...), chứ không có vai trò dẫn dắt về mặt tinh thần, càng không thể áp đặt được một văn hóa khát khao chiến thắng, một tinh thần chiến đấu xả thân nhưng kèm theo đó là một tinh thần kỹ luật thép. Vì họ có được giao vai trò của người lãnh đạo đội bóng đâu!

Điều này khác với các ông chủ các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia phát triển, sau khi chọn mời HLV có tài về thì họ giao vai trò lãnh đạo đội bóng cho HLV.
Các ông chủ CLB chỉ đứng đằng sau để hỗ trợ, theo dõi, động viên vị HLV và thành tích đội bóng, chứ họ không tranh giành vai trò lãnh đạo đội bóng với HLV như các quan chức mình.

Theo các nhà nghiên cứu bóng đá thế giới thì những năng lực cần thiết để làm nên một người HLV thành công, ngoài năng lực chuyên môn về bóng đá, những yếu tố còn lại chính là năng lực lãnh đạo:
- sáng tạo
- khả năng thích nghi cao
- gương mẫu
- kiên trì
- khả năng truyền thông hiệu quả
- tính cách cá nhân lôi cuốn
- phát triển đội ngũ
- tư duy tích cực
- luôn có một niềm tin lạc quan về tương lai của đội bóng (vision) ngay cả trong tình huống bị đánh bại.

Nếu xét về những tiêu chí trên đây thì hầu hết các quan chức lãnh đạo LĐ bóng đá VN không ai phù hợp để giữ vai trò lãnh đạo đội bóng.

Nhưng để có ông Park, một HLV có toàn quyền dẫn dắt đội bóng như là một người lãnh đạo đội bóng thực thụ, thì phải nói công đầu thuộc về ông Đức (HAGL).
Ông Đức là người giới thiệu và quyết liệt đấu tranh để ông Park được tự quyền lãnh đạo đội bóng theo cách của mình và nhờ đó mà đã tạo nên một sự đột phá cho đội bóng và các cầu thủ.

Vậy thì theo tôi những điều trên đã giải thích cho việc tại sao cũng những con người ấy, khi nằm dưới tay người này thì họ chỉ là những con người mờ nhạt, nhưng khi được người khác lãnh đạo, dẫn dắt thì họ bổng dưng trở mình trở thành những con người khác, họ tỏa sáng như những ngôi sao.

Tóm lại.

Công việc và vai trò của người lãnh đạo là làm sao để những nguồn lực dưới sự dẫn dắt của mình có thể phát huy tối đa, làm sao để những người trong đội ngũ của mình có thể làm được những gì mà ngay chính bản thân họ trước đó không nghĩ rằng mình có thể làm được. Chứ không phải là làm cho họ ngày càng trở nên kém cỏi đi.

Vậy vai trò lãnh đạo có quan trọng không? Bao giờ thì người VN mình mới nhận ra điều này?

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị
(Bài này được báo theleader.vn đăng lại)

Đăng Nhập