Với nhiều người hạnh phúc gia đình là giá trị lớn nhất

Chữ "value" trong Tiếng Anh tuy dịch ra Tiếng Việt là "giá trị" nhưng ý nghĩa của chữ giá trị trong Tiếng Việt thì có phần khác với nghĩa của chữ value trong Tiếng Anh.

Trong Tiếng Việt chữ giá trị có nghĩa là một cái gì đó có giá, và thường gắn liền với giá trị tiền bạc, vật chất (giá trị tiền bạc, tài sản, kim cương, vàng, đô la).
Trong khi trong Tiếng Anh nghĩa của từ value là những điều, những thứ quan trọng (với ai đó). Bao gồm cả đô la, tiền, kim cương và cả những thứ vô hình, không thể nhìn thấy, chỉ có thể cảm nhận được (giá trị cảm xúc, giá trị tinh thần).

Thêm nữa, người Việt mình chưa quen lắm với khái niệm hệ giá trị của một con người, vốn là thứ điều chỉnh cảm xúc, hành vi, thái độ của chúng ta hàng ngày, trong đó có cả hành vi mua hàng. Phải hiểu thì chúng ta mới có thể tác động vào hành vi mua của khách hàng được.

Khi chúng ta vừa bước ra khỏi chiến tranh với những hậu quả đói nghèo lạc hậu, thì giá trị vật chất mới được xem những thứ là có giá trị. Người ta bất chấp tất cả, sẵn sàng làm mọi thứ để có tiền bạc, của cải.

Nhưng khi thoát ra khỏi giai đoạn thiếu ăn, thiếu mặc, không còn bị đe dọa bởi đói nghèo, thì những giá trị vô hình khác lập tức trở vể vị trí vốn có của nó, nó trở nên quan trọng hơn.

Đó là khi bà mẹ không tiếc tiền chi tiêu vào những thứ mà bà tin là sẽ làm con mình thông minh hơn, khỏe mạnh hơn sau này. Đó là khi các ông bỏ tiền ra để đến sân vận động để có được cái cảm xúc mà nếu ngồi nhà với cái TV thì không có được. Đó là khi các bạn tuổi teen đốt hết tiền ba mẹ cho vào những gì liên quan đến thần tượng của mình, những người có những hình ảnh, tính cách, những thái độ, cái hồn ... mà mình cũng khao khát một ngày nào đó mình sẽ có được.

Chúng ta có lẽ ai cũng đã từng nghe câu "một miếng giữa làng bằng một sàn xó bếp". Có lẽ đã được tổ tiên sử dụng trong giai đoạn thịnh vượng kinh tế của lịch sử nước ta. Câu nói này phản ánh ngay cả với người Việt xưa, giá trị cảm xúc (được tôn trọng) vẫn quan trọng hơn giá trị vật chất.

Tuy nhiên, hầu hết các bạn học viên lần đầu đến lớp đều nhận thức khái niệm giá trị theo ỹ nghĩa trong Tiếng Việt lâu nay. Chúng ta ai cũng biết, hoặc từng nghe nói đến khái niệm "value chain" (chuỗi giá trị), nhưng có mấy người hiểu một cách tường tận ý nghĩa của nó. Tại sao gọi là chuỗi giá trị? chuỗi giá trị kết nối những giá trị gì? ở khâu nào thì giá trị nào quan trọng hơn? quan trọng với ai và không quan trọng với ai? tạo ra và đóng góp giá trị nào cho các thành viên trong chuỗi thì thu lại được nhiều giá trị cho mình?

Chính vì không hiểu, vì nhận thức rằng chỉ có giá trị vật chất, tiền bạc là quan trọng nên điều duy nhất mà chúng ta có thể làm để thu hút khách hàng là giảm giá bán, là tặng thêm quà.

Học marketing nâng cao là để hiểu sâu hơn về giá trị, những thứ còn quan trọng hơn tiền bạc, quan trọng hơn những lợi ích tính năng của sản phẩm, những thứ thường quyết định hơn 50% của quyết định mua (có khi đến 80, 90%).

Không hiểu những giá trị vô hình là không hiểu tâm lý của người giàu (người có tiền để mua sản phẩm của ta làm ra), thì không phát triển kinh doanh được ra nước ngoài, nơi người tiêu dùng thường giàu có hơn minh, nơi người ta thường đề cao những giá trị mà mình có khi không hiểu nổi. Chẳng hạn như giá trị "thân thiện với môi trường".

Phải chăng vì chúng ta không hiểu được những giá trị cao hơn của khách hàng nên chúng ta không thể tạo ra, không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng về những giá trị này? Và vì chỉ hiểu được những giá trị cơ bản nhất, như giá trị vật chất của nguyên liệu, giá trị của lao động, nên chúng ta chỉ có thể đóng góp vào chuỗi giá trị bằng công việc gia công?

Chỉ có học thì chúng ta mới có thể leo lên những nấc cao hơn của thang giá trị. Học và nâng tầm hiểu biết, nâng tầm năng lực là cách duy nhất để chúng ta hiên ngang đứng vào champion league của các nước phát triển, có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Đỗ Hòa - on Value Creation

Đăng Nhập