Đỗ Hòa - Hoạt động kinh doanh là một trong ba trụ cột nền tảng của một công ty. Có lẽ không cần phải giải thích lý so vì sao, vì hoạt động kinh doanh là cơm, là gạo, là áo, là tiền của một công ty.

strategy 6229Có lẽ trước hết chúng ta cần thống nhất với nhau về mặt khái niệm cơ bản. Về mặt tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam hay gọi bộ phận chức năng phụ trách công việc kinh doanh là "Phòng Kinh Doanh", "Khối Kinh Doanh", trong khi chức năng tương đương trong bộ máy các công ty nước ngoài được gọi là "Bộ phận marketing và bán hàng" (Marketing & Sales).

Một công ty mà hoạt động kinh doanh không hiệu quả, không có doanh thu thì có lẽ chẳng có gì để bàn ngoài việc phải làm sao để bán cho được sản phẩm và dịch vụ của mình. Thế nhưng liệu tất cả các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận thì đều vững mạnh giống nhau? Chưa chắc!

Từ góc độ người làm quản lý, khi nhận định hiệu quả và triển vọng hoạt động kinh doanh của một công ty có lành mạnh hay không, chúng tôi dựa trên hai vấn đề:

  • Thị trường mà công ty tham gia.
  • Vị trí của công ty trong thị trường đấy.

A. Thị trường hoạt động.

marketsegments_sThị trường mà công ty hoạt động nói lên triển vọng sinh lời và tiềm năng phát triển của công ty. Thị trường là bao la và các công ty có thể hoạt động trong những thị trường (nghành hàng, phân khúc thị trường) khác nhau. Từng thị trường có những đặc điểm rất riêng, tuy nhiên, do nhu cầu người ta cũng có thể nghiên cứu và đưa ra những tiêu chí chung để đánh giá đối với mức độ hấp dẫn của từng thị trường.

Có lẽ điều kiện tiên quyết mà người ta thường đem ra nghiên cứu khi có vấn đề liên quan đến thị trường đó là "Chu kỳ thị trường". Theo đó, người ta tin một sản phẩm cũng có 4 chu kỳ thị trường (giới thiệu vào thị trường, phát triển, trưởng thành và thoái trào) như là một quy luật chung của tạo hóa (Sinh, Lão, Bệnh, Tử). Như vậy, có thể nói là các sản phẩm có chu kỳ thị trường dài (vài chục năm) thì có thể hấp dẫn và xứng đáng để đầu tư hơn là các sản phẩm có chu kỳ thị trường ngắn (vài tháng)? Và các thị trường đang ở vào giai đoạn bên nầy của "đồi" (đang trong giai đoạn phát triển) thì hấp dẫn hơn các các thị trường đã sang giai đoạn "đổ đèo" (thị trường suy giảm dần)? (để tìm hiểu thêm các đặc điểm của từng giai đoạn thị trường thì xin mời nghiên cứu thêm ở phần Chiến Lược).

Kế đến, người ta xem xét các yếu tố thông số thị trường khác như:

  • Qui mô thị trường (giá trị tiềm năng bao nhiêu tỉ đồng, nhu cầu bao nhiêu tấn/năm)
  • Tốc độ tăng trưởng (bao nhiêu phần trăm một năm)
  • Tỉ suất lãi biên (tỉ lệ lãi trên đơn vị sản phẩm là bao nhiêu phần trăm)
  • Tình hình cạnh tranh (nhiều đối thủ hay ít, các đối thủ thuộc vào loại "tích cực hay "tiêu cực")
  • Rào chắn xâm nhập (thị trường ấy, người khác có thể dễ dàng tham gia vào hay không)
  • ...

Như vậy theo những tiêu chí trên, những thị trường tiềm năng lớn, tốc độ tăng trưởng hàng năm cao chẳng hạn như thị trường nước giải khát, thị trường sữa dinh dưỡng, thị trường thực phẩm, thị trường các sản phẩm chăm sóc thân thể, thị trường địa ốc, thị trường tài chính, thị trường viễn thông, thị trường bán lẻ ... rõ làng là hấp dẫn hơn các thị trường xe đạp, thị trường gia công may mặt, thị trường phim cuộn chụp ảnh, thị trường bia hơi, thị trường thịt rừng...

B. Vị trí trên thị trường

Nhưng mà không có gì bảo đảm là bất kỳ công ty nào tham gia trong một thì trường được đánh giá hấp dẫn thì đều là vững mạnh cả. Chúng ta vẫn cần một tiêu chí khác để xác định sự "vững mạnh" của một công ty, đó là: vị trí của công ty trên thị trường.

Vị trí của công ty trên thị trường thể hiện năng lực đáp ứng nhu cầu khách hàng, năng lực cạnh tranh của công ty tương ứng với các đối thủ khác. Một công ty liên tục dẫn đầu về thị phần và lợi nhuận, thì chắc chắn là vững mạnh hơn rất nhiều so với các công ty đang ở tốp cuối của đoàn đua. Vì các công ty ở tốp cuối thì được ví nhu các đội bóng đang tranh vé trụ hạng, anh nào yếu thì sẽ bị thị trường đào thải.
Đặc biệt, một công ty đứng đầu thị phần mà lại có thị phần cao nhiều hơn gấp đôi so với đối thủ đứng thứ hai thì có thể xem như công ty đó có lợi thế tuyệt đối, một điều kiện lý tưởng mà công ty nào cũng ham muốn.

Tóm lại

Trong ba trụ cột nền tảng của một công ty, xét riêng về trụ cột "hoạt động kinh doanh" thì công ty nào hoạt động trong một thị trường hấp dẫn mà lại có vị trí cạnh tranh cao hơn so với các đối thủ khác thì xem như là công ty ấy có trụ cột kinh doanh vững mạnh.


Đỗ Hòa - Tư Vấn Kinh Doanh

Đăng Nhập