Nếu trong thể thao, chúng ta đã mất nhiều năm để nhận ra rằng, nếu muốn thi đấu thành công và đạt thành tích cao trên đấu trường thể thao quốc tế, thì chúng ta phải đầu tư để tạo ra một môi trường luyện tập, thi đấu trong nước giống y như khi thi đấu quốc tế.

Điều đó có nghiã là phải mời các huấn luyện viên có kinh nghiệm về thi đấu quốc tế, rèn luyện theo bài bản quốc tế, phải xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế, và quan trọng nhất là tập cho các vận động viên của mình thi đấu theo luật quốc tế.
Bằng cách đó, dần dần các vận động viên của ta thích nghi với luật chơi quốc tế, họ có thể phát triển các kỹ năng và dẫn đến có thể thi đấu hiệu quả trên sàn thi đấu quốc tế.

Và tôi cho rằng nguyên tắc trên, không chỉ áp dụng trong thể thao, mà cả trong kinh tế cũng cần phải làm vậy.

Để cho các doanh nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập, thì chính phủ cũng cần phải kiến tạo sao cho môi trường kinh doanh trong nước cũng giống như môi trường kinh doanh quốc tế với đầy đủ các nguyên tắc luật lệ chung mà ai tham gia thì phải tuân thủ.

Điều đó có nghĩa là một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Rằng doanh nghiệp nào muốn chiến thắng trên thương trường ấy thì chỉ có một cách, một cách duy nhất đó là bằng năng lực và hiệu quả. Năng lực quản lý hiệu quả, năng lực marketing vượt trội, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất .v.v.

Chỉ như thế thì các doanh nghiệp Việt mới thật sự có thể hội nhập và dễ dàng thích nghi thị trường quốc tế với những nguyên lý vận hành và luật chơi chung. Từ đó hy vọng họ có thể phát triển được những năng lực cạnh tranh phù hợp, giúp họ phát huy không chỉ trên thị trường trong nước, mà cả trên thị trường thế giới.

Nói tóm lại là chúng ta phải có quan điểm rõ ràng: hoặc không hội nhập, hoặc hội nhập!

Nếu không hội nhập thì đóng cửa như kiểu Triều Tiên, anh nào muốn vào thì phải "đá chân đất" theo kiểu của tôi. VN cũng không nên học theo cách của TQ, vì TQ có một thị trường nội địa to lớn, đủ hấp dẫn để họ có thể áp đặt luật chơi.

Còn nếu chúng ta đã quyết định hội nhập thì phải chuẩn bị với mục tiêu là phải hội nhập thành công, không chấp nhận hội nhập theo kiểu thua thiệt.

Không thể mãi mãi năm này sang năm khác, đi thi đấu với tâm thế "cọ xát, học hỏi là chính, chứ không đặt mục tiêu giành huy chương". Không nên kéo dài tình trạng hội nhập kinh tế theo kiểu "tập đá bằng chân đất để đi thi đấu với giày đinh". Vì như thế thì chỉ có thua chứ làm sao mà thắng được!

Và cũng chỉ bằng cách này, thì VN mới có hy vọng phát triển kinh tế một cách bền vững, để một ngày nào đó có thể thoát khỏi bẩy thu nhập trung bình, và mới hy vọng có thể tự chủ kinh tế, không phụ thuộc vào nước ngoài.

Đỗ Hòa

Đăng Nhập