Xung đột lợi ích

Tiêu cực và xung đột lợi ích mà để xảy ra trong một thời gian dài, dần dần nó ăn sâu vào văn hóa của tổ chức. Tức là khi mà mọi người xem tiêu cực là điều bình thường ở đây, thì lúc ấy xem như tổ chức ấy đã nhiễm bệnh nan y.

Bản chất của xung đột lợi ích, tiêu cực thường xuất phát từ một vài cá nhân, một vài sự vụ đơn lẻ. Theo thời gian nó lan dần ra thành nhiều cá nhân, hoặc tập thể liên kết với nhau có tính hệ thống.

Một khi đã bị nhiễm nặng, hiệu quả hoạt động của tổ chức lúc ấy sẽ bị suy giảm dần, vì đã bị rò rỉ qua nhiều lỗ hổng trong suốt qui trình vận hành. Mỗi nơi mất đi một ít. Đến đầu cuối thì chẳng còn được bao nhiêu.

Khi đã bị nhiễm nặng thì không thể chữa trị mà không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Thường là phải chịu đớn đau để giải phẫu, cắt bỏ một vài bộ phận. Thay máu những nơi khác. Nhiều trường hợp nó kéo tổ chức ấy đến chỗ phải giải tán.

Cách để nhận ra tổ chức mình đã nhiễm tiêu cực.

  • Lợi nhuận suy giảm trong khi hoạt động kinh doanh vẫn bình thường.
  • Chi phí, giá thành cao so với các doanh nghiệp cùng ngành.
  • Nhân viên ít khi kêu ca về lương, dù lương không cao và đã không được lên lương trong thời gian dài.
  • Nhân viên đoàn kết, bênh vực nhau một cách không bình thường.
  • Các trưởng đầu ngành không muốn hoán đổi vị trí, không muốn nhận người mới.
  • ...

Vấn đề này các tập đoàn lớn của thế giới đã trải qua từ lâu. Họ đã thiết kế các biện pháp và công cụ phòng chống tiêu cực vào hệ thống quản lý nhằm để ngăn chặn, xử lý sớm chứ không chờ đến khi thành bệnh nan y. Trong đó chính sách về nhân sự đóng vai trò chủ lực: họ track doanh thu, chi phí, lợi nhuận đến từng nhân viên! (tôi có trình bày trong chương trình CEO).

Mặt khác hệ thống quản lý của các tập đoàn này cũng luôn được cải tiến, thay đổi để phù hợp với sự vận động của môi trường kinh doanh.

Ở VN mình, do nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống quản lý còn thấp, nên tình trạng tổ chức bị tiêu cực, xung đột lợi ích thao túng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và sự tồn vong, đã xảy ra khá phổ biến.

Bản thân tôi cũng có một trãi nghiệm chua cay khi xử lý một hệ thống bị nhiễm tiêu cực nặng. Doanh nghiệp ấy phải không ngừng nâng giá bán sản phẩm để bù cho những thất thoát do tiêu cực và xung đột lợi ích. Việc nâng giá thường xuyên đã dẫn đến doanh thu bị sụt giảm. May mắn là tôi đã truy vết được và tháo gỡ dần dần mà không gây ra hệ lụy gì cho doanh nghiệp.

Và kết quả mà tôi nhận được là ông chủ doanh nghiệp chẳng những đã không cảm ơn tôi, mà còn nghi ngờ cả tôi, khi tôi yêu cầu nhân sự thay người đứng đầu tổ bảo vệ!  🙂 🙂

Đỗ Hòa - on Management

Login Form