“Vấn đề của chúng ta là chọn những ngành có thế mạnh, từ đó xây dựng chiến lược dài hơi để giành lại từng “miếng bánh ngon” hoặc chí ít giữ được những “mẩu bánh” mà mình đang có trước áp lực hội nhập này, không sẽ mất trắng”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.

Là một chuyên gia chiến lược và là người Việt đầu tiên đứng trong đội ngũ các chuyên gia có chuyên môn đặc biệt của tập đoàn đa quốc gia Shell, với vai trò Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực châu Á Thái Bình Dương trong gần 10 năm, ông Đỗ Hòa thẳng thắn nhìn nhận: Không phải mọi “miếng ngon” đều có cơ hội cho mình! Ông Đỗ Hòa hiện là chuyên gia tư vấn chiến lược và là thành viên Hội đồng Cố vấn Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review's Advisory Council) thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng, quá muộn để nói đến một chiến lược giành lại những “miếng ngon” đang nằm trong tay doanh nghiệp (DN) ngoại, mà nên nỗ lực để giữ thị phần trong ngành hàng đó.

Theo ông, những “miếng ngon” nào doanh nghiệp (DN) nội nên nỗ lực giành lại thị phần?

Nếu nói là “miếng ngon” là “phần nạc” e rất khó để có lúc này. Sau thời gian ồ ạt với phong trào công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển toàn diện các ngành công nghiệp một lúc, đến nay, chúng ta nên dũng cảm để chấp nhận rằng, mình đã không thành công trong chiến lược công nghiệp hóa. Công nghiệp phụ trợ yếu kém không có, công nghiệp điện tử dừng lại gia công, công nghiệp ô tô chỉ lắp ráp là chính, công nghiệp đóng tàu biển cũng chưa thấy gì trong bức tranh phát hiện những vụ tham nhũng cộm cán từ lĩnh vực này. Những “miếng ngon” chúng ta nói đến trong loạt bài như logistic, khách sạn, quảng cáo rất khó để nói đến việc giành lại thị phần. Lý do họ đã làm chuyên nghiệp và có quá nhiều kinh nghiệm hơn ta trong thời gian dài. Có chăng, nông nghiệp sẽ là chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế lúc này mà thức ăn chăn nuôi chỉ là một mảng nhỏ trong đó. Nhưng “miếng ngon” này cần có chính sách vĩ mô với tầm nhìn dài hạn hơn.

Tầm nhìn tầm vĩ mô dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể là thế nào, thưa ông?

Tôi nhấn mạnh, nông nghiệp không là “miếng ngon” mà chỉ là chiếc phao cứu sinh khá tốt cho nền kinh tế của chúng ta lúc này. Chính sách vĩ mô của chúng ta nói nhiều nhưng chưa có sự chuẩn bị mang tầm chiến lược quốc gia. Ở cấp quốc gia, nên có chiến lược phát triển sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao hơn chứ không chỉ dừng ở mức xuất thô nhập tinh như hiện nay.
Thực tế, chiến lược người Việt dùng hàng Việt sẽ thành công hơn nếu nhà nước cần hỗ trợ DN nội bằng những việc thiết thực hơn là phong trào. Chẳng hạn, đầu tư nghiên cứu giống lúa tốt để tránh phụ thuộc nhập giống lúa kém chất lượng từ Trung Quốc, đầu tư nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, hỗ trợ mạnh khâu chế biến sản phẩm nông sản để có những sản phẩm có giá trị cao. DN nào cũng muốn cạnh tranh ở phân khúc cao, nhưng những công đoạn tạo ra giá trị cao lại không được sự hậu thuẩn từ nhà nước, rất khó để DN tự bơi nổi.

Vậy để xác lập thế cân bằng trong cạnh tranh với DN ngoại, lấy được thị phần trong khả năng, DN Việt cần chuẩn bị những gì, thưa ông?

Từng làm việc, tư vấn tại một số tập đoàn đa quốc gia và DN lớn trong nước, tôi thấy, lỗ hổng lớn nhất của DN nội trong chiến lược nhân sự là thiếu một hệ thống quản trị nhân lực mà qua đó tiềm năng của nguồn nhân lực được phát huy tối đa. Các tập đoàn đa quốc gia đều đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực nhưng hầu hết DN nội tầm lớn không hề có hoặc không nghĩ đến một cách nghiêm túc. Thế nên mới có những quyết sách nặng phần cảm tính.
Thứ nữa, như tôi nói ở trên, đừng nghĩ “miếng ngon” nào mình cũng có khả năng mà hãy biết chọn lọc thậm chí chọn cách đi bằng ngách một cách thông minh hơn bằng những cam kết chặt chẽ và chính sách chuyên giao rõ ràng hơn.

Tại các nước lân cận như Thái, Malaysia, Sinapore, nhiều vị trí quản lý trong các khách sạn hạng sang đều được chuyển giao cho người bản địa sau thời gian 2-3 năm đầu tư. Việc chậm chuyển giao tại Việt Nam khiến đẩy giá thuê phòng cao hơn so với các nước trong khu vực để “gánh” chi phí này cần được xem xét một cách cẩn trọng ở cấp quản lý.

Như vậy, trước làn sóng DN nội mất dần những “miếng ngon” trên thương trường, ông có cảnh báo nào không?

Chúng ta đang chuẩn bị tinh thần kết thúc giai đoạn kinh tế dựa trên lợi thế nhân công giá rẻ. Qua giai đoạn này mà không nắm được công nghệ, không có sáng tạo cải tiến, bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là vậy. Chính sách quản lý lỏng lẽo đã không “áp” được nhà đầu tư ngoại thực hiện các nghĩa vụ mà họ phải thực hiện khi đầu tư vào. Phía DN nội cũng không có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển sáng tạo nên cứ mạnh ai nấy làm, manh mún và thiếu hẳn sự liên kết tạo nên sức mạnh. Mở cửa cho nước ngoài vào, nhưng phải xác định rõ sau 5-10 năm, mình sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ như thế nào. Phải có kế hoạch cụ thể, nhà nước và doanh nghiệp cùng bắt tay làm và làm quyết liệt để xây dựng năng lực cạnh tranh. Nhật, Hàn, Đài Loan đã rất thành công với chiến lược này và Trung Quốc đang có chính sách đó, nhưng ở Việt Nam, tôi thấy phản ứng còn rất chậm nếu không nói là khá lơ đễnh.

BOX

Ông Đỗ Hòa: Hiện là Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược IME, cố vấn Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review's Advisory Council) thuộc Đại học Harvard (Mỹ). Từng giữ vị trí Giám đốc Chiến lược và Marketing khu vực châu Á Thái Bình Dương gần 10 năm liền tại Tập đoàn Năng lượng đa quốc gia Shell. Giám đốc điều hành Công ty OKURA tại Việt Nam (Okura là Tập đoàn chuyên xuất nhập khẩu thiết bị, kim loại, nguyên phụ liệu, thực phẩm chế biến, nông sản... của Nhật), giảng viên trường Doanh nhân Pace.  

Theo Báo Thanh Niên

Comments powered by CComment

Login Form