Những công cụ giúp làm việc ấy (PESTLE, Porter's 5 Forces...) cũng đã trở nên quá phổ biến đến nỗi những ai đọc sách quản trị kinh doanh thì đều biết. Nhưng tâm lý nhiều người vẫn thường không chịu học từ kinh nghiệm có sẵn do người khác để lại, họ đợi đến khi chính bản thân mình phải trả giá thì mới ngộ ra.

Trong thời gian gần đây, câu chuyện thời sự trong giới doanh nhân mỗi lần họ gặp nhau không còn là những chủ đề về thú vui tiêu khiển hay mua sắm thêm tài sản, phương tiện cá nhân nữa. Những câu chào hỏi trước đây thường nghe như: "tôi vừa mua thêm chiếc du thuyền đi chơi thích lắm, ông có muốn làm một chiếc?", hay "cái xe Audi ấy ông đi thấy tốt không, tôi đang định mua một chiếc cho thằng con trai"... đã không còn nghe, mà thay vào đó là: "ông nghe gì chưa? ông A đã phải bán gần hết cổ phần cho công ty X của nước ngoài rồi đó", "còn ông B thì hiện cũng đang rất gay với đống nợ vay ngân hàng mà ông vay để làm dự án Y"...
Họ tiếc cho những thương hiệu đã một thời là niềm tự hào, là tấm gương của nhiều doanh nhân khác, và họ tự trách mình, trách người rằng tại sao trước lúc làm việc ấy đã không cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Vâng, giá mà công ty A phân tích và nhận diện những rủi ro do khả năng bong bóng BĐS sẽ bị vỡ trước khi vay vốn mở rộng thêm ngành hàng thiết bị vệ sinh và vật liệu xây dựng, thì vừa rồi hẳn đã không phải tìm người để bán rẻ lại và mất một số tiền lớn.

Giá mà công ty B thực hiện phân tích nghiêm túc và xác định rõ nhu cầu thực, đồng thời đánh giá đầy đủ những rủi ro khi đầu tư và cuối chu kỳ phát triển của thị trường căn hộ cao cấp, trước khi dốc hết túi vào dự án căn hộ cao cấp khủng nọ, thì họ có lẽ đã không mất toàn bộ thành quả bao nhiêu năm bởi dự án căn hộ cao cấp ấy.

Giá mà công ty C đánh giá đầy đủ những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến môi trường kinh doanh và quan hệ quốc tế trước khi đầu tư thêm nhà máy nhắm vào thị trường một nước láng giềng, thì họ hẳn đã phải có một backup plan cho trường hợp mối quan hệ với thị trường ấy trở nên không thuận lợi như hiện nay.

Giá mà Công D nhận diện ra những tác động của quá trình hội nhập quốc tế và đánh giá đầy đủ năng lực cạnh tranh của mình đối với các sản phẩm cùng loại đến từ quốc gia láng giềng trước khi vay vốn đầu tư thêm nhà máy, thì bây giờ ông chủ doanh nghiệp có thể đã không phải cầm cố đến tài sản cuối cùng để xử lý những hệ quả do quyết định đầu tư ấy.

Giá mà công ty E phân tích và nhận ra sự thay đổi nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng, để kịp thời điều chỉnh sản phẩm và chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp, thì họ hẳn đã không phải bất lực đứng nhìn thị phần của mình dần dần mất vào tay các đổi thủ khác.

Giá mà công ty F phân tích và nhận diện sự chuyển dịch về công nghệ sản xuất trước khi họ quyết định ký mua lại dây chuyền sản xuất với công nghệ cũ ấy, thì hôm nay họ hẳn đã không phải lo lắng chạy xin nhà nước áp thuế và ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm cùng loại từ các đối thủ khu vực.

Giá mà ngân hàng G phân tích và đánh giá đúng những rủi ro do sự thay đổi về môi trường pháp lý và xã hội để kịp thời ngưng, loại bỏ những danh mục kinh doanh mang tính cơ hội, để quay lại tập trung vào những dịch vụ cốt lõi, thì họ hẳn đã không vừa mất vốn lại vừa đánh mất uy tín thương hiệu mà họ đã dày công xây dựng hàng chục năm trước.

Xui hay chủ quan?

Vâng, đúng là chúng ta không thể biết trước một cách chính xác điều gì sẽ xãy ra trong tương lai, nhưng các nhà quản lý doanh nghiệp đều biết có một bước trong qui trình hoạch định kế hoạch kinh doanh mà có thể giúp họ nhận diện ra những thay đổi có thể có tác động đến hoạt động kinh doanh của họ, mà họ vẫn thường xem nhẹ và bỏ qua, đó là: phân tích môi trường kinh doanh.

Phân tích môi trường kinh doanh bao gồm phân tích vĩ mô (chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ, pháp lý, môi trường) và phân tích vi mô (đối thủ, đối tác, nhà cung cấp, thị trường và khách hàng). Bước phân tích nầy giúp doanh nghiệp nhận diện những sự thay đổi trong môi trường kinh doanh mà có thể có tác động tích cực hay tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp mình và từ đó doanh nghiệp cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Thực ra, với đa số các nhà quản lý bước phân tích môi trường kinh doanh nầy chẳng có gì là mới hay lạ cả, vì nó đã trở thành một bước trong qui trình hoạch định kinh doanh chuẩn, được đưa vào áp dụng từ nhiều chục năm nay. Chẳng những thế, những công cụ giúp làm việc ấy (PESTLE, Porter's 5 Forces, BCG, SWOT ...) cũng đã trở nên quá phổ biến đến nỗi những ai đọc sách quản trị kinh doanh thì đều biết. Nhưng tâm lý nhiều người vẫn thường không chịu học từ kinh nghiệm có sẵn do người khác để lại, họ đợi đến khi chính bản thân mình phải trả giá thì mới ngộ ra.

Thời điểm hoạch định kế hoạch kinh doanh cho năm sau lại gần đến, hy vọng rằng mọi người đã rút ra được những bài học quí báu từ những thất bại, khó khăn vừa qua, để cải thiện qui trình quản lý doanh nghiệp của mình cho ngày càng chặc chẻ, khoa học hơn.

Đỗ Hòa
Cty Tư Vấn IME Vietnam

(Theo TBKTSG)

Login Form