Cùng học một trường, cùng tốt nghiệp một khóa, nhưng tại sao khi bước vào cuộc đời sự nghiệp chúng ta lại có những mức độ thành công khác nhau? Thậm chí có người học giỏi, được cho là thông minh hơn người khác nhưng lại rất ì ạch trong việc thăng tiến sự nghiệp.

Bỏ qua những trường hợp ngoại lệ của những người không chơi theo luật chung, như COCC, như bỏ tiền mua chức, như cha truyền con nối..., tôi muốn chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm quan trọng của tôi để giúp các bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp cho mình.

Phần 1: Chọn nơi mà làm việc.

a) Muốn có cơ hội thể hiện mình ngay

Nếu bạn muốn nhanh chóng có được thành tích để làm bệ phóng giúp mình nhanh chóng vọt lên, hãy chọn một doanh nghiệp tầm vừa hoặc nhỏ, nơi đang vì một lí do gì đó mà hiệu quả hoạt động chưa cao.

Những nơi như thế này thường tương đối dễ vào hơn những công ty lớn, vì bản thân doanh nghiệp không phải thuộc loại tầm cở hay có uy tín, lại do hoạt động kém hiệu quả nên lương và đãi ngộ không cao, nên họ cũng gặp khó khăn trong việc tuyển người.
Đa phần họ luôn đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp trung cao.

Vào những nơi này, nếu bạn chịu khó nỗ lực thì thành tích và công trạng của bạn dễ được nhìn thấy hơn là ở các công ty lớn, nơi có quá nhiều người tài giỏi.

Hoàn thành công việc xuất sắc, và nếu bạn chịu khó rèn luyện tác phong gương mẫu, bạn dễ dàng leo lên vị trí quản lý cấp trung sau 1-3 năm. Bởi ở những doanh nghiệp tầm nhỏ và trung, họ thường xuyên đối diện với tình trạng thiếu nhân sự cấp trung. Nên nếu trong nội bộ mà có người coi được, là họ sẵn sàng bổ nhiệm.

Môi trường làm việc này là khá vất vả, bừa bộn, bạn cần chuẩn bị tinh thần rằng sẽ không có văn phòng đẹp, không có những công cụ hỗ trợ làm việc hiện đại mà bạn thường hình dung ra như trong phim ảnh, và mọi người phải sẵn sàng làm bất kỳ việc gì, chứ không nhất thiết là phải theo đúng chức năng.

Tuy nhiên, chính vì sự sơ khai ấy, nơi đây là nơi để cho bạn tha hồ sáng tạo, bạn có thể tự thiết lập ra phương pháp và qui trình làm việc riêng cho mình.

Thách thức là bạn sẽ không học hỏi được nhiều từ nơi làm việc, mà phải tự tìm cách học hỏi thêm để nâng cao năng lực. Bạn có thể phải tham gia các khóa học đêm, phải hy sinh những ngày cuối tuần để học hỏi và trau dồi kỹ năng, nếu muốn tiếp tục leo cao hơn trên con đường sự nghiệp.

Những thành tích về sáng tạo và đột phá mang lại hiệu quả kinh doanh cao, mà bạn đạt được, dù chưa có gì to tát, ở những doanh nghiệp này, chắc chắn là những điểm cộng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV của bạn, khi bạn quyết định tìm một cơ hội mới.

b) Chuẩn bị kỹ cho cuộc đua dài

Nếu bạn không nôn nóng và muốn học hỏi được nhiều điều hơn để có sự chuẩn bị vững vàng cho quảng đường sự nghiệp lâu dài, thì hãy tìm cách chen vào các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài.

Sở dĩ mà tôi nói bạn phải cố gắng "chen" chân vào vì ở những doanh nghiệp nầy, họ thường trả lương cao hơn, có môi trường làm việc tốt hơn, nên rất nhiều người muốn vào đây.

Những doanh nghiệp tầm lớn này thường có hệ thống quản lý tương đối hoàn chỉnh, nhờ là doanh nghiệp lớn lại hoạt động có hiệu quả, nên họ đầu tư nhiều hơn vào các công cụ, qui trình và chính sách quản lý chức năng. Do vậy, sẽ có nhiều điều mới để bạn học hỏi.

Để không bỏ phí cơ hội, khi đã vào được một trong những doanh nghiệp tầm cở này, bạn phải xác định mục tiêu học hỏi một cách rõ ràng và phải kiên định với mục tiêu ấy.

Bạn hình dung tương lai của mình như thế nào? Một CEO? hay một giám đốc tài chính? hay một giám đốc kinh doanh? hay bạn sẽ bước ra và gầy dựng sự nghiệp riêng với những kiến thức đã học hỏi được của họ?

Tùy vào hoài bão và mục tiêu mà bạn "navigate" bên trong công ty ấy.
Bạn bắt đầu với một vị trí salesman? Vậy hãy học hỏi về công việc bán hàng, quản lý bán hàng và hệ thống phân phối, bạn cũng có thể học cách xây dựng và duy trì quan hệ với khách hàng.

Bạn phát hiện ra rằng để bán hàng thuận lợi hơn, thì cần được sự hỗ trợ của marketing và phải có thương hiệu? Hãy tìm cơ hội chuyển sang làm marketing sau khi đã hiểu công việc bán hàng, và hãy học marketing, học cách "làm thương hiệu" của họ.

Đến khi bạn đã thông thạo các hoạt động kinh doanh, và bạn nhận ra rằng kinh doanh giỏi là làm ra tiền, nhưng nếu chi phí cao và tổ chức hoạt động không hợp lý thì cũng không có lợi nhuận? Hãy học cách quản lý doanh nghiệp của người sếp!

Hãy tự hỏi, nếu bạn ngồi vào vị trí ông sếp, thì bạn sẽ làm gì khác hơn ông ta để công việc hiệu quả hơn.

Nếu thấy nơi bạn đang làm việc không còn nhiều để học hỏi mà cũng không có cơ hội để ứng dụng kiến thức đã học, thì hãy tìm một cơ hội khác, ở một nơi khác.

Thuận lợi ở những doanh nghiệp lớn không chỉ dừng ở mức lương tương đối cao và vô vàn cơ hội học hỏi, bạn sẽ được cung cấp những gì mình cần để bạn có thể làm việc hiệu quả.
Bạn có thể sẽ được đi máy bay và ở khách sạn hạng sang khi đi công tác, thay vì phải đi xe đò và phải hai người share một phòng trọ như ở các công ty nhỏ.

Thách thức ở những nơi này là bạn sẽ phải cạnh tranh với những người vừa giỏi, vừa có tham vọng như bạn. Những doanh nghiệp đãi ngộ cao thường cũng yêu cầu hiệu quả công việc cao, vậy nếu bạn mà không đáp ứng được sau một thời gian nhất định, thì họ cũng không đủ kiên nhẫn mà chờ bạn.

Kết luận.

Vậy hãy cân nhắc và xác định tư tưởng kỹ càng trước khi chọn cho mình một con đường đi, một chiến lược phát triển sự nghiệp đúng đắn. Và một khi đã chọn thì hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận những thách thức đang đón chờ, cũng như là tranh thủ những cơ hội đi kèm theo.

Trong bất kỳ trường hợp nào, dù bạn chọn con đường nào, muốn thành công thì bạn phải dấn thân, bởi chỉ khi bạn thật sự dấn thân vào công việc thì bạn mới có thể đạt được sự thành công.

(Phần 2: Chọn sếp mà đầu quân)

Login Form